11:46 05/01/2025 Không khí lạnh kéo dài ở miền Bắc đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, số ca bệnh nhập viện vì đột quỵ chảy máu não do thời tiết lạnh có chiều hướng gia tăng.
Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ (stroke) là tình trạng mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc bị nứt vỡ, gây chảy máu trong não. Hậu quả nghiêm trọng có thể gặp chính là tử vong. Đặc biệt, bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột. Thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não (xuất huyết não và nhồi máu não).
Trường hợp bà Phạm Thị Hiền (huyện Tiên Lãng) đã có dấu hiệu đột quỵ nhẹ với tình trạng tê chân trái. Nhưng do chưa được điều trị đúng nên sau đó tình trạng của bà nặng hơn, nói khó, liệt nửa người bên trái. Sau khi được cấp cứu, chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, các bác sĩ đã nhanh chóng đánh giá và tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Đây là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trong giai đoạn cấp đến sớm, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như di chứng.
Bà Hiền chia sẻ, nhờ được cấp cứu, điều trị kịp thời nên chỉ sau 1 ngày sức khỏe của tôi đã hồi phục hoàn toàn. Bản thân tôi cũng có nhiều bệnh lý huyết áp, tiểu đường, rối loạn tiền đình, nên khi được các bác sĩ tư vấn, tôi sẽ cẩn trọng hơn trong việc theo dõi sức khỏe và tiếp tục điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Còn ông Ng.T.H (67 tuổi, quận Dương Kinh) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đột quỵ nặng, hôn mê, liệt nửa người phải; tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên trái. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện can thiệp mạch lấy huyết khối và đặt stent động mạch cảnh trong trái. Sau khi can thiệp, ông H đã thoát khỏi nguy cơ tử vong, hạn chế những di chứng nặng nề về thần kinh. Tuy nhiên theo bác sĩ đánh giá, tình trạng ông H nặng nên quá trình phục hồi kéo dài với các di chứng như liệt nửa người bên phải, khó nói.
Được biết, mỗi năm, Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) tiếp nhận và điều trị hơn 2.000 người bệnh đột quỵ với hai phương pháp chủ yếu là dùng thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Đáng kể, đơn vị thiết lập được mạng lưới cấp cứu liên viện qua mạng xã hội, phối hợp các bác sĩ ở các bệnh viện khác trong thành phố nhằm hỗ trợ chuyên môn để đồng nghiệp tuyến dưới sơ cứu, vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa nhanh nhất. Khoa cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội như Zalo, Facebook với sự tương tác thường xuyên của hàng nghìn người bệnh, gia đình người bệnh. Ba năm trở lại đây, vào dịp 29-10 (Ngày Đột quỵ thế giới), Khoa phối hợp Chương trình Angels (Xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ xuất sắc) của Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam tổ chức talkshow và đạp xe diễu hành tuyên truyền về dấu hiệu của bệnh đột quỵ, cách xử trí ban đầu, các cơ sở y tế chuyên khoa có thể thực hiện được hai phương pháp tái thông mạch máu não… Nhờ đa dạng hình thức tuyên truyền, tỷ lệ người biết đến căn bệnh, tỷ lệ người mắc đến cơ sở y tế trong “thời gian vàng” (từ 4-7 giờ kể từ khi có dấu hiệu khởi phát bệnh) tăng từ 4,5 lên 7% tổng số ca mắc.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được phát hiện sớm còn thấp. Nhiều người bệnh đột quỵ do thiếu kiến thức, nhất là về nguyên nhân, các dấu hiệu của đột quỵ, đặc biệt là “giờ vàng” trong điều trị đột quỵ. Có trường hợp bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ nhưng người nhà không đưa đến bệnh viện kịp thời mà tự ý điều trị ở nhà, chỉ khi bệnh không thuyên giảm mới đưa đến bệnh viện, thì lúc đó tình trạng bệnh nặng hơn, khó điều trị. Chưa kể người bệnh chưa được đưa đến đúng cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán, điều trị đột quỵ. Bởi khi người bệnh đến viện sau 4,5-6 giờ có biểu hiện đột quỵ thì cơ hội điều trị tối ưu đã bị bỏ qua. Thời gian đó càng lâu thì phần tế bào não bị chết do thiếu oxy càng lớn vì không thể phục hồi. Người bệnh sẽ phải chấp nhận các di chứng như hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân… thậm chí là tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, phần lớn người mắc từ 60 tuổi trở lên, ghi nhận nhiều ở người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường. Hiện bệnh có xu hướng trẻ hóa do chế độ sinh hoạt không lành mạnh như: nghiện uống rượu bia, hút thuốc lá; những người thức khuya, tắm khuya… Tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng và tình trạng này đòi hỏi việc chẩn đoán nhanh chóng, chính xác cùng quyết định xử trí kịp thời từ bác sĩ để cứu sống người bệnh, tránh những hậu quả nghiêm trọng như: hôn mê, liệt nửa người, sống đời thực vật...
Tuy nhiên, điều may mắn là đột quỵ có thể phần nào phòng ngừa được, bằng cách người dân chú trọng kiểm tra sức khỏe thường xuyên, kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, cholesterol, đường huyết; có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh. Nếu tất cả yếu tố trên được kiểm soát tốt, đưa các chỉ số về mức bình thường, nguy cơ bị đột quỵ thấp, và ngược lại.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp khuyến cáo, người dân cần chuyển người bệnh nghi ngờ đột quỵ đến các cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt. Nếu được nhập viện kịp thời, tỷ lệ can thiệp tái thông mạch máu não thành công vẫn rất cao và bệnh nhân có thể hồi phục ngoạn mục.
Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua các kênh thông tin chính thống. Bên cạnh đó, cần tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động…
VŨ DUYÊN
15:15 03/01/2025
13:26 02/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh