15:50 08/08/2023 Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn nạn này, phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Long, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố.
PV: Thưa ông, trước hết, xin ông đánh giá một cách tổng quát về tình hình an ninh mạng trên địa bàn thành phố hiện nay?
Ông Nguyễn Vũ Long: Thời gian qua, chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng phát triển rất mạnh, góp phần làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách điều hành công việc, kinh doanh trên môi trường số, môi trường internet, nhất là dần loại bỏ cách thức giao dịch thủ công truyền thống (ghi chép bằng sổ sách, làm việc trực tiếp, mua hàng trực tiếp, thanh toán tiền mặt...) sang sử dụng các giải pháp công nghệ như: sử dụng phần mềm quản lý, sử dụng các nền tảng trực tuyến, làm việc trực tuyến, học trực tuyến, thi trực tuyến, mua hàng online, thanh toán trực tuyến,… Đây có thể xem là một bước tiến rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên mặt trái phía sau đó là những nguy cơ tiềm ẩn như thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nêu. Cụ thể là các đối tượng xấu đã lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Trong đó, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức khác) với 24 hình thức phổ biến nhất đang diễn ra trên không gian mạng. Tại thành phố Hải Phòng, trong 7 tháng đầu năm 2023 có hơn 50 vụ việc được ghi nhận và con số đó có chiều hướng ngày càng tăng.
PV: Trước tình hình trên, Sở Thông tin và Truyền thông với chức năng của mình đã có những giải pháp nào để siết chặt trọng trách quản lý Nhà nước về an ninh mạng, thưa ông?
Ông Nguyễn Vũ Long: Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố những giải pháp, biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm pháp luật nói trên. Mới đây nhất là Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 17-7-2023 về triển khai thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn thành phố. Trong đó, trọng tâm là 27 nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, ngành, đơn vị. Có thể nói, an toàn an ninh mạng giờ đây là trách nhiệm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Việc tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức về an ninh mạng sẽ được thành phố triển khai liên tục, thường xuyên, quy mô lớn với sự tham gia của các phương tiện truyền thông, báo chí, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó nòng cốt là Sở Thông tin và Truyền thông với sự phối hợp không thể thiếu của các lực lượng Công an toàn thành phố…
Thời gian tới, Sở cũng tiếp tục tham mưu cho thành phố các kế hoạch mới ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn cũng như chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật lực, tài lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả phương án ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
PV: Ông có khuyến cáo gì giúp người dânkhông trở thành nạn nhân của các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng? Cộng đồng cần lưu ý những điều gì trong thời điểm này?
Ông Nguyễn Vũ Long: Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng đã ban hành rất nhiều văn bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân về phòng chống lừa đảo trực tuyến và phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, trong đó có đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường chỉ đạo cấp cơ sở tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống thông tin truyền thống, Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của đơn vị quản lý…; gửi tài liệu tuyên truyền đến Tổ công tác Đề án 06/CP và các Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ biến, tuyên truyền tới đông đảo người dân thực hiện phòng tránh.
Đồng thời, Sở cũng phối hợp chặt chẽ vớicác cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố trong đó có Chuyên đề An ninh Hải Phòng tập trung tuyên truyền về phòng chống lừa đảo trực tuyến và phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Để không trở thành nạn nhân của các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, người dân cần lưu ý:
- Tuyệt đối không đăng nhập vào đường link lạ;
- Không chuyển tiền để mua hàng theo yêu cầu của đối tượng;
- Không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng;
- Không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính;
- Không cung cấp mã OTP cho người khác.
Như vậy, người dân sẽ không trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo qua không gian mạng.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Lan Phương thực hiện
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết