Chùa Lôi Âm – Điểm vãn cảnh thiền tịnh vùng Đông Bắc

17:29 24/02/2019

Chùa Lôi Âm thuộc phường Đại Yên, trước kia là xã của huyện Hoành Bồ, nay tách nhập về thành phố Hạ Long. Chùa ngự ở phía trên đập Yên Lập, nằm kề con đường chạy xuyên rừng thông già vi vu tiếng gió, tinh khiết đến như chiếc lá rơi cũng cảm thấy nỗi thanh cao của non nước thái bình.

Một góc chùa Lôi Âm

     Đã từng nghe tiếng chùa Lôi…

Hiếm mùa xuân nào có thời tiết như xuân Kỷ Hợi năm nay, trời ít mưa, chẳng nồm và cũng chưa đủ nắng, thật là dịp tuyệt vời cho thập khách du xuân. Hòa vào dòng người từ Hải Phòng tỏa đi muôn nẻo, tôi chọn điểm xuất hành về hướng bắc, xuôi theo quốc lộ 18 đến với Lôi Âm Tự. Hóa ra mảnh đất này đâu có lạ, Đại Yên cách Hải Phòng chừng 50km, quá quen với khách bộ hành.

Dừng chân dưới chân núi, có mấy người dân bản địa vây quanh chỉ đường vẽ lối. So với những ngôi chùa lớn đang hút khách mới xuất hiện, thì không khí vào Lôi Âm ít náo nhiệt hơn. Một con đường nhỏ trải nhựa chạy men triền núi, bám vỉa bên phải là mấy dãy hàng quán dựng nghi ngút lò củi với những xiên gà nướng bày ra ngồn ngộn.

Từ quốc lộ 18 du khách cần qua 1,5km đường đèo có xe điện dịch vụ, lên đò vượt sang phía bờ bên kia của đập Yên Lập, nếu có nhu cầu thì thêm một lượt xe ôm để leo thẳng lên đỉnh núi bằng con đường độc đạo,  phần còn lại qua mấy trăm mét leo qua lối mòn của rừng nguyên sinh sẽ đến cửa chùa. Nhưng như nhiều người khác, tôi đi bộ suốt hành trình, trừ việc buộc phải lên đò vượt đập, âu cũng muốn tỏ lòng thành tâm hướng Phật. Lên khỏi bến đò, tưởng như lọt vào một thế giới khác, không ồn ã xô bồ, thay vào đó là không gian tĩnh mịch của núi rừng, khiến du khách cũng quên niềm hối hả. Đường lên núi vắt vẻo qua 7 ngọn đèo, những cây thông già xao xác lá mùa khô, nhường dáng cho các nương dứa trải rộng đến miên man đang độ trổ mã.

Du khách xuyên rừng đến chùa Lôi Âm

Đi một quãng dài, khá chồn chân nhưng thấy lòng thanh thoát, nhẹ nhàng. Dừng nghỉ ở một quán tạm bên dốc mòn, chị chủ quán tên là Ngân niềm nở mời ăn miếng dứa, cuống còn rớm nhựa vừa hái trên nương, trong cơn khát càng thêm đượm đà. Hỏi chuyện về Lôi Âm, chị Ngân vừa lựa mắt dứa gọt cho khách, miệng vừa cười thong thả: “Theo truyền thuyết, miền đất này xưa có nhiều yêu ma quấy nhiễu, khiến dân lành phải bỏ xứ tha hương. Tháng ngày qua, có một cậu bé mồ côi lớn lên, muốn tận trừ yêu nghiệt để trả ơn sự đùm bọc của xóm làng, mới vượt qua muôn trùng tìm đến cửa Phật. Đức Phật cảm lòng thành tâm, ban cho một chiếc hộp. Chàng trai trở về y theo lời ban dặn, tụ dân làng đợi đến nửa đêm. Bấy giờ yêu nghiệt quen thói kéo đến lộng hành, chàng trai mở chiếc hộp ra, có một tiếng nổ nhẹ, rồi khói trầm nghi ngút lan hương, lại văng vẳng tiếng niệm kinh, khiến yêu ma tan biến hết. Từ ấy, dân chúng cảm ơn đức Phật mới dựng ngôi chùa đặt tên là Lôi Âm trên núi này...”.

Cách xa vạn dặm cũng ngồi tịnh tâm

Thực ra ở Đại Yên có hai ngôi chùa cùng tên Lôi Âm, một nằm ở phía biển tính theo tâm đường 18 gọi là Lôi Âm hạ, còn ngôi chùa trên núi là Lôi Âm thượng với tên đầy đủ “Linh Thứu Kỳ Sơn Lôi Âm Tự”. Linh Thứu là ngọn cao nhất trong dãy núi trải ven vịnh Hạ Long với khoảng hơn 500m so với mực nước biển, vị trí ngôi chùa nằm trên khoảng đất phẳng cách đỉnh chừng 100 mét. Theo tài liệu lưu lại, chùa được xây vào thế kỷ 15, ban đầu chỉ khiêm tốn gồm một gian, một trái nhà Thượng điện. Qua các triều đại phong kiến, chùa được trùng tu lớn 3 lần, một số tấm bia đá còn sót lại tới ngày nay, đều ca ngợi chùa Lôi Âm là một danh thắng của vùng Hải Đông thời bấy giờ.

Khu cổ mộ ở chùa Lôi Âm

Trải qua phong hóa của thời gian, ngôi chùa bị xuống cấp, lại nằm ở trên núi cao giữa rừng nguyên sinh nên gần như bị lãng quên. Cho đến một ngày Thượng tọa Thích Tục Khang từ chùa Hồng Phúc ( Hải Phòng) đến tổ chức khai quang, ngôi cổ tự tái hiện. Năm 1997, chùa Lôi Âm được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chợt nhớ từng nghe có người nói rằng “Phật ở tại tâm, đâu phải chùa to, tượng lớn mà Phật linh hơn”. Công bằng mà nói, về quy mô thì chùa Lôi Âm không bề thế bằng những chùa được xây mới ở nhiều nơi, nhưng xứng danh là linh tự, trầm mặc ẩn mình giữa rừng thiêng của “Linh Thứu Kỳ Sơn”.

Vì nằm trên cao và ẩn chốn rừng sâu, nên việc tu tạo, hưng công gặp nhiều khó khăn, nhất là việc vận chuyển vật liệu. Bởi vậy nhà chùa đã có sáng kiến tập kết gạch dưới núi, buộc lại từng cặp để du khách mỗi lần đến chùa tùy theo sức khỏe mà mang theo, vừa tỏ lòng thành tâm, vừa giúp nhà chùa chuyển vật liệu. Tiếc rằng, vì dây buộc bằng sợi dứa chóng bị hư mủn, xách lên bị đứt, khiến việc làm ý nghĩa này không được nhiều người để ý.  

Mặc ai vô tâm, tôi lật tìm được một cặp gạch còn chắc dây đeo, quệt mồ hôi mà hăm hở bước. Hết đoạn đường trải bê tông, leo qua những tảng đá bị mài mòn lâu năm thành cuội, ngôi chùa hiện ra ngự ở một vị thế tuyệt đẹp, ẩn dật nhưng không kém phần khoáng đạt giữa tự nhiên. Trùng tu khang trang, nhưng chùa vẫn giữ được nhiều di vật cổ. Hậu chùa có giếng tiên, có suối giải oan chia làm hai nhánh đổ về Yên Lập. Bên hữu có lầu Cậu ngự dưới phiến đá tự nhiên rộng tới 8,5m2, cao trên 2 mét tựa như ngôi nhà một mái. Bên tả còn hai cây đa và xoài cổ thụ, đường kính đều hơn một mét, tháng ngày buông tán che mát cho 14 tháp cổ mộ. Kế đó là 2 thống đá, 1 cây hương cũng bằng đá cao 2,48m và 5 tấm bia với những hoa văn trang trí mang đậm nét mỹ thuật thời đại  - Mạc.

Thắp một tuần nhang thả hồn vào chốn hư không, có mấy ai không suy tư, bản ngã như thư thái, thiện nguyện hơn. Rồi xoay mình, tựa vào thế núi, phóng tầm mắt ra xa, vịnh Hạ Long ngàn đảo nối đuôi nhau rỡn đùa trên mặt biển. Lại dịu nhìn không gian hồ Yên Lập, công trình thủy lợi lớn nhất của Quảng Ninh, rộng 182,6km2, với độ sâu trung bình 29,5m lúc nào cũng ngăn ngắt xanh trong. Những ngọn núi trong thung lũng xưa được nhấn chìm xuống lòng hồ, tạo thành đảo nổi với những cái tên thật gần gũi: Bàn Tay, Canh, Cua, Giáp Giới... Nhìn từ độ cao gần 500 mét, vùng đập hồ Yên Lập như bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình, tôn thêm vẻ tịnh nghiêm của Lôi Âm Tự.

Lắng đọng khi đến chùa Lôi Âm có lẽ chính là cảm xúc về những ngôi cổ mộ, vương bóng lá, dây rừng giăng giăng bám phủ. Có ngôi ghép bằng đá tạc đẽo mộc mạc, có ngôi được xây bằng nhiều loại gạch không cùng khuôn mẫu, tấm bia cũng đúc bằng đất nung đã phôi phai nét chữ, nhìn qua thấy rõ đây là công trình tự tạo của các bậc thiền sư tiền bối. Dù kiến trúc mới trùng tu có dấu ấn hiện đại, dù khách thập phương không phải ai cũng thấm nhuần giáo lý thiền tâm, nhưng chứng tích thời gian dường như nguyên vẹn, tĩnh lặng là thấy cõi vô thường. 

Mới hay, “Đã từng nghe tiếng chùa Lôi/ Cách xa vạn dặm cũng ngồi tịnh tâm”.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông