09:14 02/06/2020 Đó là phát biểu định hướng của PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khi cùng PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đồng chủ trì Hội nghị định hướng phát triển ngành học Giáo dục thường xuyên vào sáng 30-5, tại hội trường Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Kiến An .
PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu chỉ đạo
Tham gia hội nghị có các đồng chí chuyên viên Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); chuyên viên Phòng GDTX CN&ĐH (Sở Giáo dục và Đào tạo); lãnh đạo các phòng GD-ĐT, các GDTX-GDNN và dạy nghề các quận huyện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc GD-ĐT, PGS.TS Lê Quốc Tiến nhấn mạnh, ngành học GDTX có nhiều chức năng nhiệm vụ nhưng hiện nay chưa được sử dụng hết. Tại Hải Phòng, có Trung tâm GDTX Hải Phòng và 14 trung tâm tại các quận, huyện.
Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ, Hải Phòng hiện nay đang là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế. Khi đầu tư, phần lớn các Tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào Hải Phòng đều rất quan tâm về nguồn nhân lực. Trong khi đó, tại một số trường THPT, THCS hiện nay vẫn còn tình trạng đổ xô vào chọn các nhóm ngành kinh tế - tài chính, "nhiều thầy, ít thợ".
Theo ông, nếu một học sinh lớp 10 mà đặt nguyện vọng sẽ làm một công nhân, một thợ máy thì trong tâm trí của nhiều người trong gia đình, dòng họ lại là không có tương lai. "Cái chúng ta cần hiện nay là những người thợ lành nghề, sẽ trở thành tổ phó, rồi tổ trưởng, quản đốc phân xưởng các nhà máy đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Hải Phòng, với mức lương 20 triệu đồng/tháng", Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT và PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX đồng chủ trì Hội nghị định hướng phát triển ngành học GDTX
PGS.TS Lê Quốc Tiến bày tỏ mong muốn, với trách nhiệm và nhiệm vụ của mình, ngành học Giáo dục thường xuyên Hải Phòng cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón các làn sóng đầu tư trong tương lai gần; đồng thời, bắt tay khẩn trương vào xây dựng trung tâm GDTX-GDNN xuất sắc với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi rất mong muốn, trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ có cơ hội đi tìm hiểu những cách làm hay, những kinh nghiệm quý trong cả nước… Các trung tâm GDTX của Hải Phòng sẽ chủ động khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực tại địa phương (các khu công nghiệp, các dự án lớn), phối hợp với các trường nghề, trường cao đẳng trên cả nước và quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đó”, Giám đốc Sở GD-ĐT, PGS.TS Lê Quốc Tiến phát biểu chỉ đạo.
Theo PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX, Hải Phòng tổ chức hội nghị này là lần đầu tiên trên cả nước hội nghị về định hướng phát triển ngành học Giáo dục thường xuyên. PGS.TS Vũ Thị Tú Anh bày tỏ sự đồng tình với cách tiếp cận của Giám đốc GD-ĐT Lê Quốc Tiến, làm một “phép tính ngược”, để xem chỉ tiêu, mục tiêu sắp tới ngành học GDTX cần phải làm gì.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX cho rằng, đối với thành phố Hải Phòng, là một trong 4 trọng điểm của cả nước về Công nghệ thông tin; phấn đấu đến 2020, tỷ trọng của CNTT sẽ chiếm khoảng từ 20% đến 30% GDP của thành phố. Để thực hiện chỉ tiêu này, cần đối chiếu với hai chỉ tiêu quốc gia: Theo Nghị quyết số 85 của Quốc hội đặt ra, 60% lao động phải qua đào tạo.
Vậy với dân số 2,1 triệu dân, Hải Phòng có lợi thế so với các tỉnh, thành phố khác là tỷ lệ 45% thành thị, 55% nông thôn. Nghị quyết số 01 của Chính phủ ngày 1-1-2020 về phát triển KT-XH năm nay đã đặt chỉ tiêu 45% dân số (lượt người) được học tập, đào tạo, bồi dưỡng thông qua các cơ sở GDTX. Như vậy, Hải Phòng sẽ có khoảng 1 triệu dân được học tập, đào tạo, bồi dưỡng thông qua các cơ sở GDTX; không chỉ học ở 15 trung tâm…
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Trung tâm GDTX-GDNN Hải Phòng, các phòng GD-ĐT, trung tâm GDTX-GDNN các quận, huyện
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Trà, trung tâm GDTX-GDNN các quận huyện hiện đang chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chức năng (của địa phương, của sở GD-ĐT, sở LĐ-TB&XH). Cơ sở vật chất không đồng đều, nơi thừa nơi thiếu. Giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề thiếu và yếu.
Do vậy, chức năng và nhiệm vụ của trung tâm nhiều nhưng mới thực hiện được 1 phần. Trên cơ sở tổ chức hội nghị này, sở GD-ĐT hướng đến mục tiêu thay đổi định hướng từ việc chỉ đào tạo bổ túc, chuyển sang lĩnh vực đào tạo nghề, đáp ứng các doanh nghiệp trên địa bàn địa phương, thành phố.
Tại hội nghị, lãnh đạo các trung tâm GDTX-GDNN trên địa bàn thành phố đã tham luận nhiều ý kiến hữu ích xung quanh việc đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực về công nghiệp, công nghệ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các khu công nghệ cao, phát triển nhiều ngành nghề mới. Để tăng cường năng lực của các trung tâm GDTX-GDNN cần đẩy mạnh liên kết đào tạo, liên kết nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề…
Trưởng phòng GDTX CN&ĐH, TS Nguyễn Anh Thuấn cho biết, được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD-ĐT và thành phố Hải Phòng, ngành học GDTX-GDNN tại Hải Phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục các cấp học, xóa mù chữ và ngày càng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên việc đào tạo nghề còn gặp khó khăn. Chỉ tiêu tuyển sinh tại các trung tâm chỉ đạt 70-80%, nhất là đối với các địa bàn thưa dân, như: huyện Cát Hải..
HẢI HẬU
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh