Chương trình hành động của đồng chí Nguyễn Hoàng Minh, Phó Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố

15:31 18/05/2021

Lời đầu tiên, tôi xin được bày tỏ niềm vinh dự khi được Uỷ ban bầu cử thành phố giới thiệu về ứng cử đại biểu HĐND thành phố tại đơn vị bầu cử số 3 gồm quận Đồ Sơn và 05 phường thuộc Ngô Quyền (Cầu Đất, Lạch Tray, Lê Lợi, Đằng Giang & Đồng Quốc Bình). Là công dân của thành phố, tôi cảm nhận sâu sắc và thực sự tự hào về thành phố Hải Phòng - nơi có lớp lớp thế hệ hàng triệu người con Hải Phòng qua bao thập kỷ đã và đang ngày đêm nỗ lực lao động cống hiến xây dựng thành phố phát triển, hiện đại, là địa phương “mẫu mực” đi đầu cả nước trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Là đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021, Phó ban Đô thị HĐND thành phố, tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về những thành tựu, kết quả khá toàn diện và rõ nét về phát triển kinh tế xã hội nói chung, lĩnh vực đô thị nói riêng (quy hoạch, xây dựng, giao thông, môi trường...) mà thành phố chúng ta đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
 
Tôi cũng ý thức đầy đủ nghĩa vụ của một đại biểu dân cử trong sự nghiệp xây dựng chính quyền thành phố hiệu lực, hiệu quả; trong việc ban hành các nghị quyết, chính sách của HĐND thành phố thiết thực, khả thi để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển - công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt vào năm 2030, hướng tới là thành phố hàng đầu châu Á vào năm 2045 theo định hướng tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị; với tư cách thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố tôi càng ý thức hơn trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát các vấn đề còn tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực đô thị - nhất là kết quả giải quyết những kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân quận Đồ Sơn và quận Ngô Quyền.
Nếu được cử tri và nhân dân tín nhiệm bầu tôi là đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 – 2026, tôi cam kết sẽ thực hiện đúng và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
Trước nhất, cá nhân tôi cam kết phải là một công dân gương mẫu cùng vận động gia đình và người thân nghiêm chỉnh, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, của địa phương, thực hành đúng các quy định của pháp luật trong công tác và sinh hoạt; liên hệ mật thiết và gắn bó với địa phương nơi ứng cử, nơi cư trú, phản ánh trung thực, kịp thời các kiến nghị của cử tri, người dân nơi ứng cử, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong xử lý, giải quyết các kiến nghị của địa phương; với kinh nghiệm ĐB HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021, từng làm Phó ban KTNS và Phó ban ĐT, trong thẩm quyền của mình, tôi sẽ chủ động tham mưu các nội dung giám sát trong chương trình công tác của Ban Đô thị để cùng theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết các kiến nghị của địa phương chúng ta.
 
Hai là, đối với lĩnh vực đô thị của thành phố nói chung và quận Ngô Quyền, quận Đồ Sơn nói riêng.
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu rất cao đối với Hải Phòng trong giai đoạn phát triển tới – đặc biệt là những chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển đô thị thành phố phải đáp ứng được là thành phố hàng hải toàn cầu, thành phố đáng sống ven sông, thành phố sinh thái bền vững, thành phố thông minh. Thành phố đã tiến hành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 tầm nhìn 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 15/05/2018 - trong đó xác định, định hướng Quy hoạch về tổ chức phát triển không gian đô thị - Chuyển đổi hình thái đô thị từ “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" thành mô hình "Đô thị đa trung tâm", gồm 2 vành đai kinh tế, 3 hành lang cảnh quan, 3 đô thị trọng điểm và các đô thị mới; về cấu trúc không gian toàn đô thị, phát triển thành phố Hải Phòng được đặt trong mối quan hệ tương hỗ hai chiều với vùng thủ đô Hà Nội. Hải Phòng cùng với thủ đô Hà Nội là đầu tàu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khu vực Bắc Bộ phát triển thông qua sự mở rộng, lan toả các hoạt động kinh tế chủ đạo từ cảng biển, kinh tế hàng hải, công nghiệp công nghệ cao và thương mại dịch vụ - du lịch… Hướng phát triển về phía quận Đồ Sơn và ven sông Lạch Tray vẫn là một trong ba hướng chính phát triển không gian đô thị với trọng điểm là phát triển kinh tế du lịch, thủy sản và hàng hải quốc tế - Đồ Sơn cùng với Cát Bà và Vũ Yên sẽ trở thành ba trung tâm du lịch quốc tế lớn của thành phố; quận Ngô Quyền thuộc phân khu trung tâm đô thị lõi hiện hữu có tính kết nối với hướng không gian phát triển về phía Khu đô thị mới Bắc sông Cấm và thành phố Thủy Nguyên trong tương lai…với nhiều dự án trọng điểm của thành phố đang và sẽ được triển khai.
 
Tuy nhiên, tổng kết đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua (cả của thành phố và hai quận Ngô Quyền, Đồ Sơn), bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng trân trọng, có ý nghĩa lan tỏa tích cực, tạo nền tảng, tạo đà cho thời kỳ phát triển tới bứt phá mạnh mẽ hơn của thành phố thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục quan tâm giải quyết như: hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng giao thông của thành phố phát triển chưa tương xứng với một đô thị lớn thứ ba cả nước có cảng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai cả nước; công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đô thị còn những bất cập, một số đồ án quy hoạch ngành của Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố chậm được triển khai và không còn phù hợp, một số dự án phát triển hạ tầng đô thị, du lịch triển khai chưa đúng tiến độ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân trong vùng dự án (tiêu biểu như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 giai đoạn 1 và các khu tái định cư phục vụ dự án của quận Ngô Quyền, dự án Làng biệt thự cao cấp Vạn Hương trên địa bàn quận Đồ Sơn)…; liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng – nhất là hạ tầng giao thông kết nối cảng biển đang dần hoàn thiện nhưng còn có những hạn chế nhất định; thành phố vẫn chưa hoàn thành một số tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Cùng với sự phát triển, đã xuất hiện những hiện tượng của sự bị quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị như: tắc nghẽn giao thông, úng ngập cục bộ và ô nhiễm môi trường do rác thải rắn sinh hoạt, nước thải công nghiệp và hoạt động du lich…
Do vậy, ở góc độ lĩnh vực đô thị, tôi lựa chọn quan tâm và xin kiến nghị một số nội dung sau:
 
Về quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch: UBND các quận cần sớm có kế hoạch, chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan của thành phố lập, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo Phân vùng phát triển và khai thác hợp lý các không gian trong quy hoạch và quản lý đô thị, đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị thích hợp, hiện đại, kết nối đồng bộ giữa phát triển các khu vực đô thị mới với khu vực đô thị hiện hữu; đảm bảo các nguyên tắc trong công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị phát triển theo quy hoạch, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế quản lý kiến trúc, trật tự xây dựng – nhất là đối với các tuyến đường, tuyến phố mới được đầu tư hoàn thành; cần tập trung nguồn lực đầu tư và các giải pháp, chính sách mạnh mẽ, quyết liệt để cùng thành phố hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I theo quy định, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị được nêu trong Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố – nhất là các dự án về hạ tầng giao thông trong danh mục ưu tiên thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020 và 2021 – 2025 (bao gồm cả các công trình, dự án đã quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm hoặc chưa triển khai đúng tiến độ) và các dự án thực hiện chủ trương mới của Thành ủy về xây dựng mới các công viên cây xanh và chỉnh trang, cải tạo các dòng sông tại các quận, phường. Đối với những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, các sở ngành thành phố, chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật để dự án được tiếp tục triển khai đảm bảo mục đích của dự án và phù hợp với quy hoạch; nếu dự án đã chậm tiến độ theo chứng nhận đầu tư và quy định của luật đất đai, không còn phù hợp quy hoạch thì căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, kiên quyết chấm dứt dự án và thu hồi đất để tránh lãng phí tài nguyên đất đai và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân vùng dự án. Đối với các dự án cấp phép mới, cần lựa chọn những nhà đầu tư thực sự có đủ tiềm lực tài chính, có năng lực, uy tín trong lĩnh vực sẽ đầu tư và cùng một quyết tâm, cam kết hoàn thành đưa dự án vào hoạt động đúng kế hoạch.
 
Về nâng cao năng lực đáp ứng của đô thị và xử lý những hiện tượng quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị: cần sớm đầu tư hoàn thiện đồng bộ và nâng cấp hệ thống thoát nước mưa, nước thải với các dự án thành phố đã cho triển khai nghiên cứu và được đầu tư giai đoạn 1; hạn chế tác động tiêu cực làm giảm diện tích các hồ tự nhiên, hồ điều hòa, các dòng sông, kênh hiện hữu do các dự án phát triển kinh tế xã hội; cần tổ chức lại quy trình thu gom, vận chuyển rác hợp lý hơn tránh tập kết rác ở các khu vực đông dân cư, tập trung đông người, hạn chế vận chuyển rác vào những giờ cao điểm, tổ chức phân loại rác đầu nguồn nhằm tránh phát tán các nguồn gây ô nhiễm môi trường nguy hại tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân… Về lâu dài, cần phải truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức thực hành xã hội về hạn chế sử dụng rác – đặc biệt là túi nilon với mục tiêu mong muốn là mỗi người dân phải tự có trách nhiệm với rác của mình và mỗi người dân là một người tiêu dùng thông thái trong một mô hình “Kinh tế tuần hoàn”. Càng sớm càng tốt quyết toán công trình, bàn giao đưa vào vận hành khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng các Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh; Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND ngày 12/07/2018 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ vật tư, cây xanh, pha đèn để cải tạo, nâng cấp hè đường ngõ đã xuống cấp trên địa bàn các quận.
 
Khu vực quận Ngô Quyền, cần tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu chung cư, tập thể cũ; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới các khu chung cư cao tầng thay thế các chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân và mất mỹ quan đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển nhà ở thành phố; việc phát triển các dự án khu đô thị mới, các dự án nhà ở cần lưu ý có giải pháp đấu nối đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, hệ thống ngầm nổi giữa khu đô thị mới với khu vực lân cận, các khu đô thị liền kề đảm bảo đồng bộ cốt nền khu vực theo Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 để tránh tình trạng trũng nước vào khu vực xung quanh sau khi khu đô thị mới, khu nhà ở mới hình thành; mặt khác quản lý nghiêm ngặt tỷ lệ mật độ xây dựng, đảm bảo diện tích các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, giao thông và tách riêng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy chuẩn đô thị trong các loại dự án này.
Khu vực quận Đồ Sơn, thành phố cần quan tâm tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện nâng cao năng lực cảng cá Ngọc Hải, hệ thống kè biển, sân tiêu năng các khu du lịch trên địa bàn quận và các dự án phát triển hạ tầng giao thông (dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng, tuyến đường nối từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún…), nhà máy xử lý nước thải tập trung; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án phát triển du lịch (dự án đầu tư xây dựng thành ủy bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15…), khu vui chơi giải trí, bãi biển nhân tạo…; quận Đồ Sơn cần thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố về phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản, quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm nông - thủy sản trở thành hàng hóa có chất lượng tham gia vào liên kết phát triển du lịch của địa phương.
 
Lựa chọn mô hình phát triển đô thị Hải Phòng hướng tới “Thành phố thông minh” - về mặt lâu dài, là một lựa chọn phù hợp và rất có triển vọng. Đây là mô hình đô thị kết hợp công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng và hiệu suất của các dịch vụ đô thị. Mục tiêu cao nhất của nó là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trước sức ép đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Thành phố cần có những chính sách mời gọi và chương trình phối hợp với những tập đoàn doanh nghiệp trong nước có uy tín và lợi thế như: VNPT, Viettel, FPT, Vingroup…để nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp áp dụng ở Hải Phòng và xã hội hóa đầu tư. Trước mắt, cần “bắt tay nghiên cứu kỹ lưỡng” và phân bổ nguồn lực để đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông gồm cả hạ tầng không dây, hoàn thiện xây dựng hệ thống chính quyền điện tử các cấp theo lộ trình Chương trình chuyển đổi số quốc gia và hệ thống giao thông thông minh.
 
Ba là, thành phố và các quận cần tiếp tục tăng cường các biện pháp, giải pháp trong kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách để đảm bảo có đủ nguồn lực và phân bổ, sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển lĩnh vực đô thị nói riêng. Do vậy, cần nỗ lực cải thiện kết quả cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI, DDCI…; nâng cao năng lực dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, rà soát và tăng cường các biện  pháp chống thất thu, thất thoát ngân sách để xây dựng các kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm và trung hạn sát đúng tình hình, nghiên cứu các biện pháp quản lý và áp thuế theo quy định của pháp luật về các hoạt động thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, mạng xã hội hiện đang phát triển khá phổ biến; về xây dựng và thực hiện dự toán chi ngân sách các cấp, ngành tài chính, kế hoạch đầu tư và các đơn vị dự toán ngân sách cần tuân thủ nguyên tắc tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển và tiết kiệm chi thường xuyên – trong đó chi thường xuyên đảm bảo hoạt động ổn định bình thường của tổ chức bộ máy và “chi cho con người” phù hợp với điều kiện của thành phố; việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cũng như là phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cho các chương trình, dự án cần tuân thủ đúng Nghị quyết 12/2020 ngày 22/12/2020 của HĐND thành phố về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025. Tôi cho rằng khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, các đơn vị dự toán ngân sách, các đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, các chủ dự án – nhất là ngành kế hoạch đầu tư cần bám sát nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong trung và dài hạn của thành phố và các địa phương, khả năng cân đối nguồn lực trong cả giai đoạn và tính toán nhu cầu ngân sách từ khi bắt đầu, đến khi kết thúc nhiệm vụ chi của từng công trình, dự án; nâng cao năng lực giải ngân, quyết toán vốn phân bổ đầu tư công đúng tiến độ, niên độ, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ chuyển nguồn nguồn vốn này; đánh giá kỹ các nhu cầu cụ thể của từng năm, các công trình dự án bức thiết cần bổ sung thêm vào chương trình, kế hoạch hàng năm nhằm tránh phân tán nguồn lực, làm nhiệm vụ chi kéo dài thực hiện, gây lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản và giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
 
Bốn là, với chức năng, nhiệm vụ Ban Đô thị, tôi sẽ tham mưu chương trình công tác của Ban tập trung vào một số việc sau:
- Giám sát việc lập, triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu sau khi quy hoạch chung điều chỉnh thành phố được Thủ tướng phê duyệt; giám sát việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc ngày 13/6/2019, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng sau cấp phép – đặc biệt là trên một số tuyến đường mới được thành phố đầu tư.
 
- Giám sát việc thực hiện những chủ trương lớn của thành phố về chỉnh trang, đầu tư xây dựng mới các công viên cây xanh, khu vui chơi công cộng và cải tạo, chỉnh trang các dòng sông trên địa các quận; Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của Hội đồng Nhân dân thành phố về cơ chế hỗ trợ vật tư để cải tạo, nâng cấp hè, đường ngõ đã xuống cấp trên địa bàn các quận.
- Giám sát công tác xây dựng, bố trí và quản lý, sử dụng chung cư trên địa bàn thành phố.
- Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến lĩnh vực đô thị theo Điều 82 Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
 
Với những thành tựu khá toàn diện đạt được của Đảng bộ, quân và dân thành phố thời gian qua, với sức mạnh nội sinh của tinh thần đoàn kết, lòng tự tôn, truyền thống đổi mới, sáng tạo, tôi có niềm tin mãnh liệt là thành phố chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu trọng yếu được xác định tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của các cử tri quận Ngô Quyền, quận Đồ Sơn bầu tôi làm đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nếu được bầu là đại biểu HĐND thành phố, tôi xin hứa: với chức trách, nhiệm vụ của mình sẽ cùng các đại biểu khác ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 3 phối hợp với chính quyền và nhân dân hai địa phương kiến nghị thành phố, các ban sở ngành liên quan khắc phục, giải quyết các tồn tại, hạn chế lĩnh vực đô thị nêu trên để góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội thành phố và hai địa phương.
 
Tôi xin được báo cáo chương trình hành động của mình và trân trọng cảm ơn!
Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông