Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý đến năm 2030

10:28 12/11/2024

Sáng 3/11/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý đến năm 2030. Tại cuộc họp này, thay mặt Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang-Bộ trưởng Bộ Công an đã tóm tắt đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý đến năm 2030. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là Chương trình hết sức quan trọng đối với quốc gia, dân tộc, là nội dung được đại biểu quốc hội rất quan tâm, đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân. Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, bao quát về Chương trình, Chuyên đề An ninh Hải Phòng xin trích dẫn một số nội dung cơ bản, trọng tâm của Chương trình.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý đến năm 2030 (sáng 3/11/2024)

Sự cần thiết xây dựng Chương trình

Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý đến năm 2030 được Chính phủ đề xuất xây dựng dựa trên cơ sở 5 vấn đề chính gồm:

(1) Thực tiễn áp lực từ tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước ngày càng phức tạp, khó lường làm gia tăng nguy cơ đe dọa đến sức khỏe nhân dân, đến giống nòi, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước;

(2) Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

(3) Chương trình nhằm tiếp nối, phát huy thành tựu, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy những năm qua và tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành;

(4) Chương trình nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính cấp bách, trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy;

(5) Chương trình nhằm triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Mục tiêu phấn đấu

Mục tiêu tổng quát mà Chương trình hướng tới là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý. Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng của chương trình. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Chương trình đã đề ra 11 nhóm mục tiêu cụ thể, 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030, bảo đảm toàn diện, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Theo đó, Việt Nam phấn đấu hàng năm (giai đoạn 2025-2030), số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%; góp phần tăng trên 3% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc mỗi năm.

Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%. Trên 70% lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cấp bộ, cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý Cảnh sát biển được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu thập, khai thác, chia sẻ dữ liệu thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1%/năm, tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%/năm.

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 35%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma tuý trên toàn quốc đạt trên 50%. Trên 80% số trạm y tế cấp xã toàn quốc và 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Trên 90% người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý, người cai nghiện ma tuý, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý…

Phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; từ năm 2025 đến hết năm 2030. Trong đó, năm 2025 sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách, văn bản, tài liệu hướng dẫn, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; xây dựng và phê duyệt các dự án thành phần của Chương trình. Từ năm 2026-2030, triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra của Chương trình.

Đối tượng thụ hưởng

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình gồm 3 nhóm sau: Người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý (Đây là nhóm đối tượng chính được thụ hưởng từ Chương trình).

Các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan: chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy (Đây là những đối tượng được trực tiếp thực hiện Chương trình đồng thời cũng là đối tượng thụ hưởng từ việc đầu tư Chương trình).

Cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ được thụ hưởng những kết quả từ các hoạt động của Chương trình như tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, tránh xa ma túy và cao nhất là sự bình yên từ việc ngăn chặn, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy đối với mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

9 Dự án thành phần do 8 Bộ, ngành chủ trì

Tổng nguồn vốn đề xuất để thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương 17.725,657 tỷ đồng (chiếm 78,96%); vốn ngân sách địa phương 4.674,537 tỷ đồng (chiếm 20,82%) và vốn huy động hợp pháp khác dự kiến 50 tỷ đồng (chiếm 0,22%).

Chương trình bao gồm 9 Dự án thành phần, 6 Tiểu dự án do 8 Bộ, ngành chủ trì để tập trung đầu tư theo 3 nhóm lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Đối với nhóm giảm cung, gồm 3 Dự án đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ, trang thiết bị tiên tiến hiện đại, tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, nhất là đối với các loại tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia.

Đối với nhóm giảm cầu, gồm 3 Dự án đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy; cho các hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý, tập trung nhóm các đối tượng nhạy cảm, nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp và trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống ma túy cho người dân.

Đối với nhóm giảm tác hại, gồm 1 Dự án tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma tuý tập trung nâng cao chất lượng xác định tình trạng nghiện; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế; điều trị, can thiệp giảm tác hại cho người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng bố trí 1 Dự án đầu tư để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý ở cơ sở với mục tiêu chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở (bao trùm cả 3 lĩnh vực giảm cung, cầu, tác hại); 1 Dự án cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá Chương trình.

6 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chương trình đề ra 6 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện, gồm: cơ chế, chính sách; tập trung, huy động nguồn lực; tổ chức hiệu quả bộ máy thực hiện Chương trình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền; giải pháp về KHKT và công nghệ; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình.

Quá trình xây dựng Chương trình

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng Chương trình. Trong đó, đã thành lập Ban Chỉ đạo; tổ chức 32 cuộc họp, Hội thảo; khảo sát tại 7 địa phương trọng điểm; lấy ý kiến góp ý của Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương; được Hội đồng thẩm định cơ sở và Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua.

Đến ngày 9/10/2024, Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 182 thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và có Tờ trình số 623, Báo cáo số 625 trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình. Tại Phiên họp thẩm tra do Ủy ban Xã hội tổ chức vào ngày 31/10/2024 Bộ Công an đã báo cáo, giải trình và bổ sung các thông tin làm rõ thêm về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.

Có thể nói, tuy Chương trình được xây dựng trong thời gian ngắn nhưng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rất nỗ lực hoàn thiện các nội dung Chương trình đảm bảo rất công phu, bài bản, khoa học, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống ma túy và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trên cơ sở đó, Chính phủ kính đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định: Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XV (diễn ra từ ngày 21/10 đến sáng ngày 30/11/2024).

Khánh Chi (Lược ghi theo tài liệu Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý, Bộ Công an cung cấp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông