Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng - Bản hùng ca 65 năm”: Một Hải Phòng mạnh mẽ, hướng tới tương lai

15:05 12/05/2020

Là thành phố nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng “hội tụ và tỏa sáng” với nhiều nét đẹp văn hóa. Để có hôm nay, tầm vóc một đô thành đang hướng ra biển lớn, Hải Phòng ngày nay không bao giờ quên những ngày tháng khói lửa đau thương nhưng hào hùng, vĩ đại của dân tộc. Hòa cùng nhịp sống sôi động và phát triển mạnh mẽ của đất nước, với những quyết sách hợp lòng dân, Hải Phòng đang từng ngày bừng lên sức sống mới vô cùng mãnh liệt… Tất cả đều được tái hiện qua chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hải Phòng - Bản hùng ca 65 năm”…

Các tiết mục biểu diễn tại chương trình

Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, với những tác phẩm hay về thành phố, quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng trên cả nước và được tường thuật trực tiếp trên kênh truyền hình THP, THP+, kênh phát thanh 93,7Mhz, fangage THP của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vào lúc 20h ngày 12-5 từ Nhà hát thành phố.

Chương trình nghệ thuật được kết cấu gồm 2 phần. Phần 1 với chủ đề “Hào khí Bạch Đằng giang" giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển Hải Phòng.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Hải Phòng luôn là vùng đất địa linh của Tổ quốc. Vào những năm 40 sau công nguyên, nữ tướng Lê Chân đã khai thác sông An Biên cùng với bao thế hệ người con nơi đây để tạo dựng nên một Hải Phòng.

Năm 938 trên sông Bạch Đằng, Đức vương Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, khai sinh nền văn minh Đại Việt.

Cũng tại nơi đây, năm 981 Hoàng đế Lê Đại Hành đã tái tạo chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 2. Ngài có công đánh Tống Bình Chiêm xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt hùng mạnh, sánh vai cùng Đại Hán.

Năm 1288, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đại thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 3, đập tan dã tâm xâm lược nước ta cùng mộng bá chủ thế giới của đế quốc Nguyên Mông mở ra nền văn hóa Đông A rực rỡ.

Các tiết mục biểu diễn bài hát “Hào khí Đại Việt”-Quang Vinh, “Hào khí Bạch Đằng Giang”-Hồ Trọng Tuấn cùng với khí nhạc hoạt cảnh đã phần nào tái hiện lại cả 1 quá trình lịch sử vô cùng oai hùng của ông cha ta xưa.

Phần thứ 2 của chương trình nghệ thuật  là một “Bản hùng ca 65 năm” đã khắc họa lại quá trình quân dân Hải Phòng cùng chung sức đồng lòng, dũng cảm, kiên cường đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cho đến hôm nay lại đoàn kết, mạnh mẽ để xây dựng và phát triển một thành phố cửa biển - một mảnh đất “nở hoa” và đầy nắng, “Năm cửa ô rộng dài, mênh mang dòng xe chảy/Trăng lạc lối ngẩn ngơ mắc ngọn những cao tầng…” (Thành phố hướng mặt trời-Nguyễn Kim”)

Ngày 20-11-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Hải Phòng. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng, Kiến An đã tiến hành thành công cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện ngay trong vùng địch tạm chiếm, lập nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống “Tiên Lãng phá càn”, “Đường 5 anh dũng”, “Đường 10 quật khởi”, Sở Dầu, Cát Bi rực lửa, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hải Phòng đi trước về sau, khi miền Bắc được giải phóng, quân và dân Hải Phòng còn phải tiếp tục chiến đấu thêm 300 ngày đêm đầy căng thẳng, quyết liệt, đòi hỏi trí, dũng, mưu lược để bảo vệ thành phố, làm thất bại âm mưu hậu chiến của kẻ thù.

Ngày 13-5-1955, bộ đội ta rầm rập tiến vào tiếp quản thành phố, cả rừng cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng. Bài hát “Tiến về Thành Tô”-Nguyễn An với âm nhạc hào hùng, ca từ hào sảng đã đưa khán giả trở về với những tháng năm xưa, như đang được sống trong không khí tưng bừng cờ hoa ngày ấy.

Sau ngày giải phòng, Hải Phòng còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, an ninh trật tự. Các lực lượng phản động vẫn tiếp tục nuôi âm mưu phá hoại lâu dài cách mạng Việt Nam, trong đó Hải Phòng là một trọng điểm. Đảng bộ, chính quyền quân và dân Hải Phòng-Kiến An đã đoàn kết, từng bước xây dựng thành phố, tạo nên những thay đổi cơ bản trên các mặt, văn hóa và đời sống đạt được những thành tựu quan trọng.

“Nhà máy chúng ta-Thành phố chúng ta”-một sáng tác của tác giả Hoàng Vân là một nhạc phẩm đẹp, đã tái hiện lại hình ảnh của Hải Phòng trong những năm tháng đó.

Trong không gian của tháng 5 lịch sử, hàng triệu người con Hải Phòng lại bồi hồi nhớ Bác. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng những tình cảm đặc biệt.

Về thăm Hải Phòng 9 lần, Bác đã để lại những tình cảm vô cùng sâu đậm với mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân thành phố. Những lời Bác dặn đã được hàng triệu người con Hải Phòng bao thế hệ nay khắc cốt ghi xương, để cùng nhau phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, thành phố to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Đâu đâu, ta cũng như nghe “Vang tiếng Bác giữa mùa thu đất Cảng”-Tuấn Phương: “Nghe trăng thu về đất Cảng quê tôi/ Trong lời gió như thì thầm hát xa/ Ta nhớ những ngày Bác đã về đây/ Náo nức bao người, cờ hoa đón Bác/ Ôi trái tim Người vĩ đại yêu thương. Bác luôn căn dặn những lời: Đoàn kết một lòng vững trí bền gan, truyền thống Bạch Đằng liệt oai, trong mỗi người dân đất Cảng…”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng đã tập trung cao độ chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Vì Đà Nẵng-Gò Công kết nghĩa”, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ đã hi sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ tổ quốc.

Một tinh thần Hải Phòng, một trái tim Hải Phòng đã được ngân lên qua các nhạc phẩm:  “Nơi ta viết tình ca”-Quỳnh Hợp,  “Thành phố hoa phượng đỏ”-nhạc Lương Vĩnh, thơ Hải Như, “Thời hoa đỏ”-thơ Thanh Tùng, nhạc Đình Bảng.

Khi về với Hải Phòng những ngày này, bạn sẽ thấy một Hải Phòng thật khác, với những đổi mới đến ngỡ ngàng, rộng dài, rực sáng nhưng vẫn lung linh, lãng mạn biết nhường nào..

Khép lại chương trình là các ca khúc viết về Hải Phòng, khắc họa hình ảnh của một thành phố Công nghiệp Cảng biển phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tràn đầy khát vọng, vững bước hướng tới tương lai. Bao gồm các ca khúc, “Thành phố hướng mặt trời”-Nguyễn Kim, “Hải phòng tôi yêu”-Đậu Hoài Thanh, “Hải Phòng tuổi thơ tôi”-Đỗ Trí Dũng, “Khát vọng Hải Phòng”- nhạc Tùng Ngọc, thơ Bùi Thị Hằng, “Thành phố hoa thắp lửa”: “ước chi hoa phượng chiều nay tím/Để biển gần hơn với đất liền/Màu áo thợ tiếng còi tàu xao xuyến/Người đi xa luôn nhớ một Hải Phòng/Biển thì xanh, vòm trời thì rộng/Đêm Hải Phòng như con sóng vỡ tung ra/Đây cửa biển một thành phố hoa…”

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông