Chuyển biến trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

16:34 26/01/2021

Theo tổng hợp từ Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Nam Định, trong năm 2020, tình hình đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, kết nối với mạng lưới giao thông của tỉnh và các địa phương khác.

 Trên địa bàn huyện có 2 tuyến Quốc lộ là 21B, 37B có tổng chiều dài 21,2km, quy mô đường cấp III, cấp IV đồng bằng; mặt đường rộng từ 7-9m với lưu lượng giao thông từ 3.500-4.500 lượt xe/ngày, đêm; 4 tuyến tỉnh lộ 487, 487B, 488C và 490C đi qua địa bàn đều đã được nâng cấp đảm bảo tính kết nối liên hoàn mạng lưới giao thông và 8 tuyến đường huyện 100% trải nhựa, mặt đường rộng 5,5-12m.

Ngoài ra, hệ thống đường liên xã, trục xã, đường thôn xóm được rải nhựa, bê tông hoá 100% đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngoài hệ thống đường bộ, huyện có 19km bờ biển và 3 con sông lớn là sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ. Toàn huyện có 23 bến khách ngang sông, trong đó bến Quang Thiện nằm trên địa bàn thị trấn Quỹ Nhất do UBND xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) quản lý; bến Đống Cao, xã Nghĩa Minh do Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam quản lý; bến Phú Lễ, xã Nghĩa Phong mới dừng hoạt động sau khi cầu Thịnh Long thông xe tháng 5-2020.

Công an xã Nghĩa Minh kiểm tra kết hợp tuyên truyền, vận động người điều khiển phương tiện thủy và hành khách chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT tại bến phà Đống Cao

Với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đa dạng nên ngay từ đầu năm, UBND huyện đã kịp thời kiện toàn Ban ATGT huyện; chủ động xây dựng và ban hành các kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT năm 2020 và từng quý, từng chuyên đề; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT theo chuyên đề; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý vi phạm hành lang ATGT đường bộ; thường xuyên làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng, lắp đặt biển báo hiệu và hệ thống thiết bị đảm bảo ATGT đường bộ với mục tiêu giảm nguy cơ gây tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn. Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được bằng nhiều hình thức.

Phòng Công Thương, Công an huyện phối hợp với Đài Phát thanh huyện tăng thời lượng phát sóng tuyên truyền các quy định của pháp luật bảo đảm trật tự ATGT; hoạt động xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT; các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ...

UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức 2 cuộc kiểm tra chuyên đề ở tất cả 23 bến khách ngang sông để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa. Yêu cầu chủ phương tiện chở khách sang sông ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo trang bị đầy đủ dụng cụ cứu đắm, dụng cụ nổi, mặc áo phao cho người đi đò; yêu cầu các chủ bến bãi kinh doanh khai thác vật liệu ven sông ký cam kết chấp hành các quy định về vận tải hàng hoá.

 Các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã triển khai kẻ vẽ hàng trăm pa nô áp phích tuyên truyền phổ biến pháp luật và các nội dung về trật tự ATGT; tổ chức tuyên truyền cho giáo viên và học sinh của các trường trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT.

Cùng với công tác tuyên truyền, Ban ATGT huyện đã chỉ đạo Công an huyện tập trung tuần tra, xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Đồng thời kết hợp xử lý theo chuyên đề, trong đó tập trung xử lý vi phạm về tốc độ, đi không đúng phần đường; chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá trọng tải, sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác; vượt đèn đỏ, đón trả khách không đúng quy định; lưu hành xe tự dựng, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định...

Công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường và duy trì tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông. Trong năm 2020, huyện Nghĩa Hưng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn mới phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông gồm: tuyến đường cứu hộ xã Nghĩa Hải (đoạn từ đường Lâm Hùng Hải đến đê tả Đáy); đường trục xã Nghĩa Thịnh (đoạn từ chợ Hải Lạng đến sông Thành Đồng); đường Thành Lợi (đoạn từ cống làng Hậu Điền, xã Nghĩa Thành đến đập Đô Quan, xã Nghĩa Lợi).

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021, với mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, huyện Nghĩa Hưng chủ trương triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh về công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT. UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh; phát huy vai trò các tổ tự quản ATGT để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động người dân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; tích cực vận động nhân dân không dựng rạp hiếu, hỷ trên đường giao thông, thực hiện thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn quản lý.

Lực lượng Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, tập trung trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, các khu vực đông dân cư, các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông... Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp với Công an huyện, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị chức năng tiến hành rà soát những bất hợp lý về tổ chức giao thông, lắp đặt các biển báo hiệu đường bộ, kiểm tra các tuyến đò ngang để có kiến nghị khắc phục kịp thời.

BNĐ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông