Chuyện cảm động về nữ TNXP lập nhà sàn thờ Bác Hồ

23:00 04/04/2014

 

Bà Mến bên bàn thờ Bác Hồ
Bà Mến bên bàn thờ Bác Hồ

Với lòng thành kính, tri ân Bác Hồ, nữ thanh niên xung phong (TNXP) Đỗ Thị Mến, sinh 1944, ở thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đã lập nhà sàn tưởng nhớ Người. Hàng ngày, bà cần mẫn dọn dẹp, thắp hương trong ngôi nhà sàn thờ Bác. Tuy gặp nhiều khổ đau, bất hạnh nhưng bà Mến vẫn vươn lên trong cuộc sống.

Cuộc đời bất hạnh và nỗi đau chất độc da cam

Bà Mến là con út trong một gia đình tại xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 1945, hai người anh trai của bà bị chết đói. Một người anh trai khác tham gia du kích, lên đường nhập ngũ chống Pháp sau đó hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình chỉ còn hai chị em gái. Người chị gái Đỗ Thị Mượt của bà từng nổi tiếng vì góp phần làm ra chiếc xe cút kít giúp người nông dân Thái Bình giải phóng đôi vai trong việc vận chuyện thóc lúa, phân gio.

Với thành tích này, bà Mượt đã được Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ thi đua dịp Người về thăm Thái Bình năm 1962. Năm 1966, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bà Mến hăng hái tham gia TNXP lúc đang làm công tác Đoàn tại địa phương. Năm 1967, bà được kết nạp vào Đảng. Trong công tác, bà Mến luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tại địa phương, bà Mến trải qua nhiều cương vị công tác như: Bí thư chi bộ, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã, Hiệu trưởng trường mẫu giáo, Hội phó Hội Phụ nữ xã...

Chồng bà Mến là ông Nguyễn Quang Dòng, nhập ngũ năm 1957, sỹ quan quân đội, làm nhiệm vụ tuyển quân và huấn luyện quân ở chiến trường Quảng Trị rồi chuyển vào chiến trường Tây Nam. Trong một lần về phép, được sự giới thiệu của hai bên gia đình, ông Dòng và bà Mến tổ chức đám cưới. Tuy phải ở trong ngôi nhà tranh vách đất nhưng vợ chồng bà Mến dành nơi trang trọng nhất trong nhà để lập một bàn thờ Bác Hồ. Lấy nhau được 2 ngày, ông Dòng trở lại làm nhiệm vụ ở khắp các chiến trường miền Nam, sang Lào và Campuchia. Năm 1984, ông Dòng về hưu.

Tại địa phương, ông làm cán bộ nông nghiệp rồi cán bộ Mặt trận tổ quốc xã. Tuy nhiên, đúng lúc này, bà Mến phải gánh chịu những nỗi đau tột cùng của chiến tranh để lại. Chất độc màu da cam trong người ông Dòng đã khiến những đứa con của bà Mến không thể thành hình hài. Bảy lần bà mang thai thì cả bảy lần những đứa con không thể chào đời.

Nhiều đêm, bà Mến chỉ biết nằm khóc một mình, âm thầm chịu đựng nỗi đau chiến tranh và ám ảnh về gương mặt của những đứa trẻ. Theo năm tháng, chất độc màu da cam bắt đầu hành hạ chồng bà. Ông Dòng bị sốt liên miên, rụng hết tóc, rồi bị những cơn đau không gượng dậy được. Năm 1999, ông Dòng qua đời. Lúc đó, bà Mến như sụp đổ tinh thần song với niềm tin yêu, sự kính trọng vị Cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng, tiếp thêm sức mạnh giúp bà vượt qua khó khăn, tiếp tục cuộc sống.

Nhà sàn “19 tháng 5”

Năm 1973, bà thu dọn lại căn nhà để thờ Bác. Trên hương án, bàn thờ Bác Hồ và gia tộc của Bác được đặt ở vị trí trang trọng nhất, tượng Bác ở giữa làm tâm điểm; thấp hơn là bàn thờ chồng bà. Năm 2007, trong một buổi lễ cầu siêu 1.500 liệt sỹ và người cộng sản tiền bối Nguyễn Đức Cảnh tại chùa Đông Am, tỉnh Thái Bình, bà Mến gặp bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Xí nghiệp in 2, thuộc Công ty cổ phần Nhà in Khoa học và Công nghệ. Qua trò chuyện, bà Hiền rất cảm động về câu chuyện cuộc đời của bà Mến.

Bà Mến thuyết minh các tư liệu về Bác Hồ
Bà Mến thuyết minh các tư liệu về Bác Hồ

Năm 2009, tại khuôn viên trên 500m2 của nhà bà Mến, chính quyền địa phương, bà Hiền cùng các nhà hảo tâm và người dân địa phương tổ chức khởi công xây dựng ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ. Bà Mến và người dân đặt tên ngôi nhà là “Nhà sàn 19 tháng 5”. Ngôi nhà được làm bằng gỗ với 16 cột trụ vững chãi, thiết kế theo kiểu dáng ngôi nhà sàn trong khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính giữa ngôi nhà là tấm ảnh Bác đang vẫy tay chào được treo trang trọng, phía dưới là tấm băng đỏ với hàng chữ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trước sân là cột cờ với lá cờ tổ quốc.

Hàng ngày, bà Mến cần mẫn lau dọn bàn thờ, thắp hương cho Bác. Bàn thờ Bác được đặt ở vị trí rất trang nghiêm giữa ngôi nhà sàn. Ở ngay dưới gian thờ Bác là một cái bàn gỗ đơn sơ. Trên bàn gỗ bày đủ các loại hạt giống: thóc, đỗ, ngô, đậu… Bà lấy hạt giống nếp từ Móng Cái (Quảng Ninh), lấy hạt ngô ở Tuyên Quang, lấy hạt thóc, lúa ở Đồng Tháp... Mâm hạt giống được bà Mến lấy về từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đi đến vùng nào, bà đều mua một nắm hạt giống về đặt trên ban thờ Bác Hồ với mong muốn Bác sẽ phù trợ cho mùa màng khắp nơi tươi tốt, bội thu. Mâm hạt giống chính là lòng biết ơn của nhân dân khắp nơi với sự ấm no mà Bác đã mang lại.

Chiếc xe đạp Thống Nhất do bà Mến dành dụm tiết kiệm tiền mua từ năm 1985 là người bạn đồng hành với bà trên mọi nẻo đường. Và cũng năm 1985, bà đã đi chiếc xe đạp này về làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An thắp hương cho Bác Hồ sau đó xin hạt lúa của vùng quê này mang về làm kỉ niệm. Những hạt giống về để ở dưới chân bàn thờ Bác như hình ảnh các con cháu ở khắp mọi miền tổ quốc tụ hội về cùng tỏ lòng tri ân với công ơn trời biển của Người.

Toàn cảnh ngôi nhà sàn thờ Bác Hồ
Toàn cảnh ngôi nhà sàn thờ Bác Hồ

Giữa kệ gỗ với các loại hạt giống ấy, bà chép mấy câu thơ: “Nơi đây lộc phúc nhờ Người/ Cấy lúa, lúa tốt để đời ấm no…”. Bà Mến còn lập thêm hai bàn thờ gồm: bàn thờ các anh hùng, liệt sĩ và các danh nhân, danh tướng của đất nước và bàn thờ Tiên Tổ 1064 dòng họ ở Việt Nam. Mới đây, phòng trưng bày có diện tích khoảng 70m2 còn là nơi lưu giữ các bức tượng, ảnh, băng đĩa, album, báo... và hàng trăm cuốn sách viết về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của Bác do bà Mến sưu tầm.

Những ngày lễ, sinh nhật Bác 19-5 hay dịp Quốc khánh 2-9…, nhiều đoàn du khách và cán bộ địa phương đã đến dâng hương lên bàn thờ Bác Hồ. Trước khi về, họ đều ghi lại trong cuốn sổ lưu bút những cảm xúc của mình về Bác Hồ và sự biết ơn, trân trọng việc làm rất ý nghĩa của bà Mến. Bà Mến tâm sự: “Tôi mong nhiều người biết đến khu nhà sàn thờ Bác để lớp trẻ hôm nay hiểu được, học tập và noi theo gương Bác. Công ơn trời biển của Bác trải khắp đất nước. Bác sẽ sống mãi với đồng bào, với dân tộc. Tôi mong mỗi địa phương đều có một căn nhà sàn để bà con tới thắp hương cho Bác”. Chia tay bà Mến, chúng tôi không khỏi xúc động trước tấm lòng của người nữ thanh niên xung phong năm xưa đối với Bác.

Đăng Hùng


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông