Chuyện của người thả gấu về rừng

15:57 28/09/2008

Được tin có người đầu tiên ở Việt Nam tự nguyện giao một con gấu nuôinhốt của gia đình cho tổ chức Cứu hộ động vật hoang dã thế giới, mà đấylại là người Hải Phòng, tôi liền tìm về Thuỷ Nguyên vào một buổi sáng đẹp trời...
Được tin có người đầu tiên ở Việt Nam tự nguyện giao một con gấu nuôinhốt của gia đình cho tổ chức Cứu hộ động vật hoang dã thế giới, mà đấylại là người Hải Phòng, tôi liền tìm về Thuỷ Nguyên vào một buổi sáng đẹp trời...

Anh Sen, chị Lá vẫn không giấu được sự bùi ngùi khi kể lại câu chuyện về chú gấu
Anh Sen, chị Lá vẫn không giấu được sự bùi ngùi khi kể lại câu chuyện về chú gấu

Người được các tờ báo liên tục nhắc đến trong thời gian qua chính là anh Đỗ Văn Sen ở thôn Trung Sơn, xã Ngũ Lão. Mặc dù công việc kinh doanh bận ngập đầu nhưng anh Sen và vợ là chị Lá vẫn dành cả buổi sáng để tiếp tôi. Trái với tưởng tượng ban đầu, khi được hỏi về việc "thả gấu về rừng", anh Sen chỉ nhẹ nhàng: "Có gì đâu em, anh chị làm vậy là thực lòng phát tâm làm phúc thôi! Nếu có thêm một người làm một việc thiện khi đọc bài báo này thì anh chị cũng sẽ thấy vui lắm rồi".

Qua trò chuyện, tôi được biết cả anh Sen và chị Lá vốn sinh ra trong những gia đình có truyền thống theo đạo Phật. Ngay từ thuở còn vất vả vì cuộc mưu sinh mãi tận Hà Cối, anh chị đã rất tín tâm và thường xuyên giúp đỡ mọi người. Đến khi công việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, anh chị lại càng ra sức góp công làm việc thiện và đã không ít lần được "tấn dương công đức" tại nhiều chùa chiền trên cả nước.

Cũng xuất phát từ tâm niệm hết lòng vì việc thiện nên cách đây mấy năm, tình cờ có người gạ bán cho anh một chú gấu con mới rời mẹ chỉ nặng chừng vài kilogam, anh động lòng mua. Nhìn thấy gấu ngơ ngác và sớm phải chịu cảnh "chim lồng cá chậu", cả gia đình anh Sen đã dồn công chăm sóc và tạo mọi điều kện tốt nhất có thể cho gấu. Khác với các hộ nuôi gấu thường bố trí diện tích chuồng quá chật và chế độ vệ sinh không đảm bảo, anh Sen làm "nhà gấu" thật rộng và đặt ngay dưới tán cây râm mát cạnh bờ ao thoáng đãng.

Đến những ngày rét đậm, "nhà gấu" lại được che kín, bóng điện thắp liên tục để xua bớt đi cái lạnh cắt da cắt thịt cho gấu. Việc cho gấu ăn thì cả nhà ai cũng "dự phần", không cần phải phân công. Nhờ có sự quan tâm chăm sóc như vậy nên gấu lớn rất nhanh và dần trở thành một thành viên "đặc biệt" của cả nhà từ lúc nào không hay. "Vì quý nó như vậy nên suốt 5 năm qua anh chưa bao giờ làm cái việc mà một người nuôi gấu vẫn thường thực hiện là hút lấy mật" - anh Sen cho biết.

Từ một "chú gấu con" ngày nào, nay "chàng gấu" đã trưởng thành và nặng đến gần 130kg, to đẹp vượt trội so với những con gấu nuôi nhốt khác. Tuy nhiên, càng lớn gấu càng tỏ ra hiếu động khiến nhiều lần anh Sen phải bỏ công sửa sang lại mái che, máng nước bị gấu dùng tay nghịch phá. Vất vả là vậy nhưng anh không hề thấy phiền lòng. Chỉ có điều làm anh ưu tư là không gian sinh hoạt cho gấu đúng là đang ngày càng nhỏ lại. Đôi khi anh nhủ thầm: "Tội nghiệp nó cứ phải suốt đời chịu cảnh tù túng, phải chi nó được tự do leo trèo cùng đồng loại...".

Ý nghĩ đó từ khi nảy sinh cứ đeo đẳng trong đầu anh mãi không thôi. Cho đến tận năm 2008, khi biết được tin có trung tâm cứu hộ gấu tại Vườn quốc gia Tam Đảo hoạt động rất hiệu quả, anh Sen liền bàn với cả gia đình rồi quyết định chuyển giao chú gấu cho trung tâm thông qua Hạt kiểm lâm huyện Thuỷ Nguyên cùng Chi cục kiểm lâm Hải Phòng để chú có thể trở lại với môi trường tự nhiên của nó.

"Mặc dù có nhiều người đặt vấn đề mua lại gấu với số tiền rất lớn nhưng anh không bán. Nếu muốn anh đã làm điều này từ lâu rồi. Tâm nguyện của anh lúc này là làm sao trung tâm giúp gấu nhanh chóng tìm lại được bản năng sinh tồn tự nhiên để khi trở về rừng không bị đói và bị bắt trở lại. Bao năm gắn bó anh biết tính nó thế nào mà, dạn người quá! Sắp tới cả nhà lên Tam Đảo thăm, thế nào nó cũng mừng quýnh lên cho mà xem" - anh Sen thật lòng tâm sự.

Về cuối câu chuyện, khi có sự hiểu nhau nhất định, anh còn cho tôi biết trong năm tới sẽ chuyển làm nghề khác không liên quan tới nghề mộc hiện nay nữa bởi lí do: "Anh chỉ làm gỗ được phép khai thác để đóng cốp-pha thôi nhưng dù sao cũng là làm hại đến rừng. Mà theo quan niệm nhà Phật thì như vậy là gián tiếp phá đi ngôi nhà chung của cả con người và động vật nên anh quyết định không làm nữa. Tâm mà thanh thản thì tiền bạc chỉ là vấn đề nhỏ thôi...".

Trong khi thành phố chủ trương thực hiện Chỉ thị số 15 về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã và khi buôn bán, săn bắt gấu đang là vấn đề nhức nhối thì cách hành xử như của anh Sen không chỉ đúng với các quy định của pháp luật mà còn có tác dụng gióng lên những tiếng chuông kêu gọi "lòng độ lượng" của con người trước các loài động vật rừng hoang dã, quý hiếm.


Phóng sự của TRÍ THỌ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông