09:50 18/10/2022 Ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định 924//QĐ-TTg, phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu mà chương trình hướng tới là nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM để tăng cường hiệu quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn. Từ đó, từng bước thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, hướng tới nông thôn mới thông minh. Chương trình được đánh giá là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0…
Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Chuyển đổi số trong xây dựng NTM được xác định là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về CNTT, chuyển đổi số do Bộ NN&PTNT, các cơ quan liên quan đã, đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Đồng thời phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực…
Chương trình sẽ được triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột chính gồm: phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Mục tiêu cụ thể mà chương trình hướng tới là phấn đấu đến năm 2025 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số; ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
Có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026-2030.
4 nhiệm vụ trọng tâm
Tại Quyết định 924//QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM được triển khai với 4 nhiệm vụ trọng tâm sau: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn và tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM.
Chương trình triển khai bằng nguồn vốn ngân sách trung ương được bố trí trong kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn xã hội hóa, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Để triển khai chương trình, tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hiệu quả các nội dung chương trình theo nhiệm vụ được phân công.
Đồng thời rà soát kỹ lưỡng nội dung, nhiệm vụ chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo với nội dung, nhiệm vụ của các chương trình chuyên đề khác và các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lựa chọn, phê duyệt danh sách các mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành trung ương có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm; đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM, NTM thông minh; triển khai một số nội dung về dữ liệu số trong xây dựng NTM; xây dựng, đề xuất Bộ tiêu chí về “Xã NTM thông minh” giai đoạn 2026 - 2030…
Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai chương trình này.
5 nhóm giải pháp đột phá
Theo đó, để triển khai hiệu quả chương trình, các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai nghiêm túc, bài bản 5 nhóm giải pháp trọng tâm, đột phá. Trong đó, song song với việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phải kể đến giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số.
Tiếp đến là giải pháp đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng, kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản; nâng cao chất lượng, năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, thương mại điện tử; xây dựng dữ liệu số trong xây dựng NTM.
Một số mô hình trồng trọt trên địa bàn thành phố cho năng suất, giá trị nông sản cao
Đồng thời triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, xây dựng thí điểm các mô hình xã/thôn NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương và mô hình chỉ đạo điểm của trung ương về xây dựng xã NTM thông minh theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương.
Một số mô hình trồng trọt trên địa bàn thành phố cho năng suất, giá trị nông sản cao
Và một giải pháp không thể không kể đến là huy động nguồn lực triển khai chương trình. Các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.
Mặt khác là huy động các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển KT-XH, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số; đẩy mạnh kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng xã NTM thông minh…
Khánh Chi
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024