14:49 17/12/2021 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ từ 13 - 16/12. Điểm đến theo dự kiến ban đầu là Indonesia, Malaysia và Thái Lan, song chuyến thăm Thái Lan đã bị hủy sau khi một phóng viên đi cùng đoàn mắc COVID-19.
Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong chuyến thăm Indonesia và Malaysia, chuyến công du lần này của ông Blinken đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sự chú trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á, cũng như vai trò của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Washington theo đuổi. Trước chuyến công du này, Tổng thống Biden đã cam kết nâng tầm quan hệ Mỹ - ASEAN lên mức chưa từng có.
Kể từ khi nhậm chức, vai trò của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng, với những tín hiệu tích cực được ghi nhận thông qua các chuyến công du của một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden tới khu vực. Trong vòng 6 tháng trở lại đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã công du khu vực. Tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ về Đông Á Daniel Kritenbrink đã thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại trường Đại học Indonesia ở Jakarta, ngày 14/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken diễn ra sau hàng loạt diễn biến đáng chú ý trong quan hệ của Mỹ với Đông Nam Á, chẳng hạn như việc Tổng thống Biden bổ nhiệm ông Jonathan Kaplan làm đại sứ Mỹ tại Singapore, kết thúc hơn 4 năm Mỹ không có đại diện chính thức nào tại đây, hay sự kiện Thứ trưởng Ngoại giao Sherman gặp gỡ tất cả đại sứ của 10 nước ASEAN tại Washington...
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ chín diễn ra ngày 26/10 với sự tham gia của Tổng thống Biden, hai bên đã bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ và thúc đẩy quan hệ đối tác với các hoạt động hợp tác cụ thể vì lợi ích chung của cả hai phía. Mỹ cũng đề xuất tổ chức hội nghị cấp cao trực tiếp với ASEAN vào tháng 1/2022.
Từ những động thái này, có thể nhận thấy chuyến thăm của ông Blinken tới Đông Nam Á đã đánh dấu sự gia tăng đáng kể về tốc độ hợp tác ngoại giao của Washington với khu vực, với nhiều kết quả đáng khích lệ, củng cố quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước là điểm đến trong chuyến công du nói riêng và với khu vực Đông Nam Á nói chung.
Tại Indonesia, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ đối tác với quốc gia đông dân nhất ASEAN, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với vai trò trung tâm của ASEAN và sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại Malaysia, Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp nước chủ nhà Saifuddin nhấn mạnh tới hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, kinh tế kỹ thuật số, an ninh mạng, quốc phòng, y tế và ngoại giao nhân dân. Malaysia và Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa để nâng mối quan hệ đối tác toàn diện lên tầm cao mới.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken đã có bài phát biểu được coi là một động thái quảng bá cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Chiến lược này có thể tóm lược trong 5 trụ cột chủ chốt. Thứ nhất là thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mà ở đó mọi vấn đề nảy sinh sẽ được xử lý một cách công khai, áp dụng các nguyên tắc minh bạch và công bằng. Hàng hóa, ý tưởng và con người được tự do di chuyển, cả trên đất liền, không gian mạng và trên biển, với một nền quản trị minh bạch, hướng đến người dân.
Thứ hai, Mỹ sẽ tạo dựng kết nối nội khối và vươn xa mạnh mẽ hơn. Mỹ sẽ làm sâu sắc liên minh hiệp ước với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa các đồng minh này, tìm kiếm cách thức để gắn kết đồng minh hiệp ước với các đối tác của Mỹ, như cách Mỹ từng làm với “Nhóm bộ tứ” (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản).
Thứ ba, Mỹ sẽ thúc đẩy thịnh vượng dựa trên nền tảng rộng rãi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã vượt hơn 1.000 tỷ USD và Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn nữa để đáp ứng lời kêu gọi từ khu vực. Theo định hướng của Tổng thống Biden, Mỹ đang xây dựng Khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện, một nền tảng theo đuổi các mục tiêu chung, trong đó có thúc đẩy thương mại, kinh tế số và công nghệ số, duy trì chuỗi cung ứng bền vững, trung hòa carbon, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng.
Thứ tư, Mỹ sẽ hỗ trợ xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phục hồi bền vững. Đại dịch COVID-19 cùng với khủng hoảng khí hậu cho thấy tính cấp thiết của nhiệm vụ này. Mỹ đã viện trợ, cung ứng 300 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả cho thế giới, trong đó có 100 triệu liều được chuyển đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các dự án năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu trên khắp khu vực, tạo ra các công việc sạch, xanh ở cả Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đang hợp tác với các nước trong khu vực nhằm thiết lập khả năng kháng cự trước các mối đe dọa hiện hữu do khủng hoảng khí hậu, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch tại khu vực.
Thứ năm, Mỹ sẽ tăng cường an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đánh giá các mối đe dọa đang biến đổi, đòi hỏi cách tiếp cận an ninh phải có sự thích ứng. Để làm được điều đó, Mỹ sẽ dựa vào sức mạnh lớn nhất mà mình có được là các liên minh và đối tác.
Giới quan sát đánh giá những trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dưới thời chính quyền Tổng thống Biden thể hiện cách tiếp cận mang đậm dấu ấn của chính quyền mới, hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực. Chiến lược này mang tính bao trùm cả về chính trị-ngoại giao, an ninh, kinh tế, y tế, biến đổi khí hậu… Để thực hiện, Mỹ cần có có sự hợp tác chặt chẽ của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó ASEAN với vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế, luôn củng cố vai trò trung tâm trong việc giải quyết những vấn đề nan giải của thế giới, khu vực, sẽ là mắt xích quan trọng để thúc đẩy chiến lược này.
Có thể thấy, thông qua bài phát biểu của ông Blinken về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như những cam kết trong quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước sau chuyến thăm này của Ngoại trưởng Blinken, cả Mỹ và ASEAN sẽ có thêm nhiều động lực tăng cường những chuyển động tích cực cho quan hệ song phương trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, góp phần đóng góp cho xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trên toàn thế giới.
Trên cơ sở đó, chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Blinken lần này cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội để các bên có thể tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng phối hợp hành động làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác ASEAN - Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt khi hai bên kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại vào năm 2022.
Theo TTXVN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết