Chuyên gia WHO đến bệnh viện từng điều trị các ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán

10:55 30/01/2021

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến thăm bệnh viện ở Vũ Hán, nơi từng từng điều trị các ca mắc COVID-19 đầu tiên được biết đến, trong sứ mệnh điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), nhóm chuyên gia đã đến bệnh viện điều trị Đông – Tây y kết hợp tỉnh Hồ Bắc để gặp gỡ, trao đổi với các y bác sĩ đã từng điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên trên thế giới.

Một chiếc xe chở các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới đến Bệnh viện tỉnh Hồ Bắc, Vũ Hán vào hôm 29/1. Ảnh: Reuters

“Chuyến thăm đầu tiên này vô cùng quan trọng”, nhà sinh thái học Peter Daszak, Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance có trụ sở tại Mỹ, nói. “Chúng tôi đang ở bệnh viện điều trị một số trường hợp COVID-19 đầu tiên được biết đến. Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi chi tiết về nhiệm vụ mà các bác sĩ, nhân viên y tế đã từng trải qua. Đây là cuộc trao đổi quan trọng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra trong những ngày đầu bùng phát dịch COVID-19”.

Bà Zhang Jixian, Trưởng khoa Hô hấp và Chăm sóc tích cực của bệnh viện, là người đầu tiên (theo truyền thông Trung Quốc) đã báo cáo về sự xuất hiện các ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thông tin cảnh báo được bà Zhang Jixian đưa ra sau khi điều trị cho một cặp vợ chồng lớn tuổi cuối năm 2019. Bà phát hiện ảnh chụp CT phổi của họ có những điểm khác biệt so với triệu chứng bệnh viêm phổi thông thường.

Nhóm chuyên gia của WHO đã bắt đầu chuyến đi thực tế trong sứ mệnh kéo dài một tháng từ ngày 29/1.

Các nhà khoa học có kế hoạch đến thăm Viện Virus Vũ Hán. Ảnh: SCMP

“Nhóm điều tra sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với các nhà khoa học Trung Quốc vào ngày 29/1. Sau đó sẽ bắt đầu các chuyến thăm thực tế tại Vũ Hán và xung quanh thành phố. Các thành viên nên nhận được sự hỗ trợ, quyền truy cập và dữ liệu cần thiết .Tất cả các giả thuyết đều được đưa ra bàn luận khi nhóm nghiên cứu nghiên cứu khoa học để tìm hiểu nguồn gốc của virus”, WHO đăng tải trên Twitter.

Nghi vấn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã trở thành một vấn đề chính trị, sau khi nhiều phân tích giữa Washington và Bắc Kinh được đưa ra.

Trong khi đó, WHO nhấn mạnh rằng sứ mệnh của họ không phải là đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia nào và việc tìm ra cách thức lây truyền của một căn bệnh truyền nhiễm có thể mất nhièu năm.

Các chuyên gia hôm 28/1 cũng đã hoàn thành việc cách ly trong khách sạn kéo dài hai tuần ở Vũ Hán. Họ cũng tổ chức các cuộc họp trực tuyến hàng ngày với các nhà khoa học Trung Quốc, những người đã chia sẻ thông tin, bao gồm cập nhật về các nghiên cứu liên quan đến COVID-19, được thực hiện ở Trung Quốc.

WHO cho biết nhóm điều tra của họ - bao gồm các chuyên gia y tế công cộng, chuyên gia thú y và thợ săn virus đến từ 10 quốc gia - đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin, gồm dữ liệu chi tiết về đại dịch đã lây nhiễm cho hơn 101 triệu người trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học cũng có kế hoạch đến thăm các bệnh viện và phòng thí nghiệm, bao gồm phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán và Viện Virus Vũ Hán.

Trước đó, viện này đã thu hút sự chú ý của toàn cầu sau khi một số người cho rằng nơi này có thể là nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Song Trung Quốc đã bác bỏ giả thuyết này.

Các chuyên gia cũng dự kiến đến thăm Chợ Hải sản Huanan, nơi xuất hiện chùm ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 12/2019. Khu chợ này từ đó đến nay vẫn đóng cửa và bị giám sát từ tháng 1/2020 khi các quan chức Trung Quốc cho rằng virus có thể bắt nguồn từ một loài động vật hoang dã được bán ở đó.

Nhóm chuyên gia cũng sẽ trò chuyện với những người có triệu chứng sớm và một số bệnh nhân đầu tiên được biết đến nhiễm virus SARS-CoV-2

“Mọi hoạt động của họ phải tuân theo cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 một cách khoa học. Ưu tiên cao nhất là ngăn ngừa rủi ro và bảo vệ tính mạng của con người trong tương lai”, Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cho biết hôm 28/1 trong một cuộc họp báo hàng ngày.

Đầu tháng này, việc Trung Quốc chậm trễ cấp phép cho các thành viên trong nhóm chuyên gia của WHO đã phải chịu chỉ trích hiếm hoi từ Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông