Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Quy định mới trong giải thích một số từ ngữ trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Cảnh sát cơ động

17:29 27/11/2023

Ngày 14-6-2022, tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, tại phần những quy định chung của Luật Cảnh sát cơ động gồm 8 điều, so với Pháp lệnh, Luật Cảnh sát cơ động đã bổ sung 2 điều mới quy định về giải thích từ ngữ (Điều 2) và hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động (Điều 8).

Đồng thời, Luật không quy định về đối tượng áp dụng vì tại khoản 1, Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”. Như vậy, các dự án luật không nhất thiết quy định đối tượng áp dụng và đối tượng áp dụng sẽ được xác định cụ thể tại các điều, khoản, điểm của văn bản. Do đó, trong Chương về quy định chung, Luật Cảnh sát cơ động không quy định điều khoản về đối tượng áp dụng như Điều 2 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 của luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, đồng thời chỉnh lý quy định theo hướng bao quát, toàn diện hơn các nội dung điều chỉnh trong Luật, Điều 1 của Luật cho thấy Luật Cảnh sát cơ động là văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù cao về tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động.

Đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh chi tiết, cụ thể các quy định liên quan đến Cảnh sát cơ động bao gồm: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách cho lực lượng Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động. Đồng thời, Luật là cơ sở pháp lý vừa bảo đảm cho hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự của Cảnh sát cơ động được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.

Cùng với đó, tại Điều 2 của Luật đã đưa ra cách giải thích một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: Biện pháp vũ trang là cách thức, phương pháp sử dụng sức mạnh tinh thần, thể chất, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để Cảnh sát cơ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.  Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Cảnh sát cơ động.

Đây là quy định mới của Luật so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013. Luật Cảnh sát cơ động đã lựa chọn để giải thích một số từ ngữ trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Cảnh sát cơ động mà hiện nay chưa được pháp luật quy định nhằm thống nhất cách hiểu đối với các quy định trong Luật, bao gồm khái niệm về “biện pháp vũ trang” và “cán bộ, chiến sĩ Cảnh Cảnh sát cơ động”.

Biện pháp vũ trang là 1 trong 7 biện pháp đã được quy định trong Luật An ninh quốc gia năm 2004 và Luật Công an nhân dân năm 2018. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản nào giải thích cụ thể về biện pháp này. Trong khi đó, tại Điều 3 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang. Đây là biện pháp chủ yếu Cảnh sát cơ động sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Đồng thời, trong Luật Cảnh sát cơ động cũng có nhiều quy định sử dụng cụm từ “biện pháp vũ trang”. Do vậy, việc giải thích cụm từ này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý và cách hiểu thống nhất để Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, đồng thời làm nổi bật tính đặc thù, đặc biệt của Cảnh sát cơ động trong các nội dung của Luật.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành quy định có nhiều lực lượng được sử dụng biện pháp vũ trang, nhưng mỗi lực lượng có phương pháp, cách thức, quy mô, cấp độ áp dụng khác nhau. Do vậy, qua nghiên cứu, tham khảo một số công trình khoa học, Bách khoa thư Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; trên quan điểm xây dựng khái niệm “biện pháp vũ trang” trong Luật phải bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật; thể hiện được vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, trật tự. Trên cơ sở đó, Luật đã giải thích khái niệm “biện pháp vũ trang”. Khái niệm này phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động.

Trong đó cụm từ “sức mạnh tinh thần” được hiểu ngoài việc phải thường xuyên huấn luyện, rèn luyện, diễn tập để nâng cao sức mạnh thể chất và kỹ năng sử dụng thành thạo võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật, kiến thức, kỹ năng sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, khi sử dụng “biện pháp vũ trang”, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động cần có sự tập trung, tỉnh táo, sáng suốt, linh hoạt, có ý chí quyết tâm và nhận thức chính trị đúng đắn nhằm áp dụng một cách chính xác, hiệu quả, đúng yêu cầu nhiệm vụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Tại khoản 2, Điều 2 Luật cũng đã giải thích rõ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Đây là cơ sở để xác định nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông