09:04 06/09/2023 Tại Điều 33, Mục 1, Chương IV, Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đã đưa ra những quy định cụ thể về công tác “Xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện”.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Trưởng Công an cấp xã lập biên bản hành vi vi phạm theo Mẫu số 27 Phụ lục II Nghị định này để làm căn cứ lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau:
a) Người nghiện ma túy không đăng ký cai nghiện tự nguyện;
b) Người đã có quyết định cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà không thực hiện cai nghiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy;
c) Người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian cai nghiện tự nguyện;
d) Người nghiện ma túy không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị khi đăng ký điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Về hồ sơ, trình tự đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định này.
Đáng chú ý, tại Điều 34 của Nghị định đã đưa ra những quy định chi tiết về “Điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và chế độ hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện” như sau:
Căn cứ số lượng người cai nghiện tự nguyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công ít nhất 1 người để thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Kinh phí đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Kinh phí lập, xét duyệt hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện; hỗ trợ người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, người được giao quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và các khoản kinh phí khác phục vụ cho việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.
Về chế độ hỗ trợ được quy định như sau: Người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đối tượng quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã được hưởng thù lao hàng tháng. Mức thù lao tối đa là 0,6 (không phẩy sáu) lần mức lương cơ sở hiện hành;
Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn theo quy định tại Điều 22, 23 và Điều 24 của Nghị định này thì được nhà nước hỗ trợ một lần kinh phí cai nghiện, mức tối thiểu bằng mức lương cơ sở hiện hành.
Về nội dung chi, mức chi quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
KC
09:45 21/11/2024