01:10 01/01/2025 Điều 5 Chương I Luật Phòng, chống mua bán người, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28/11/2024, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, đã đưa ra những quy định cụ thể về “ Chính sách của Nhà nước về Phòng, chống mua bán người”
Theo đó, Chính sách của Nhà nước về Phòng, chống mua bán người được quy định như sau:
1. Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.
2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
3. Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.
4. Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.
5. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
6. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, tại Điều 6 chương này của luật quy định về “Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân’’.
1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền sau đây:
a. Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình theo quy định của Luật này khi bị xâm hại, bị đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người;
b. Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người;
c. Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ;
d. Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật;
đ. Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân;
e. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
g. Được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;
h. Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nghĩa vụ sau đây:
a. Chấp hành đầy đủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ;
b. Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;
c. Thực hiện yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc mua bán người;
d. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tố Oanh
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024