Chuyên mục Tìm hiểu Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT - Phần V Nghị định số 137/2020/NĐ-CP: 7 điểm mới của Nghị định (tiếp theo)

16:29 14/02/2023

Ở các kỳ trước, Ban Chuyên đề ANHP đã lần lượt giới thiệu đến bạn đọc 4/7 điểm mới của Nghị định 137/2020/NĐ-CP được xây dựng, bổ sung nhiều nội dung mới so với Nghị định 36/2009/NĐ-CP trước đây để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh, phòng chống tội phạm về pháo.

Sang kỳ này, Ban Chuyên đề ANHP xin giới thiệu tiếp đến bạn đọc 3/7 điểm mới còn lại của Nghị Định 137/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

Điểm mới thứ năm: tại Điều 14 của Nghị định quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, trong đó quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, phòng ngừa ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường; bảo đảm kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, phương tiện phù hợp, người quản lý, người phục vụ có liên quan phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; kinh doanh pháo hoa bảo đảm chất lượng, quy chuẩn và các điều kiện khác theo quy định.

Điểm mới thứ sáu: tại Điều 17 của Nghị định quy định về sử dụng pháo hoa. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa để sử dụng.

Như vậy, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo đã quy định cụ thể tại điểm b, khoản 1, Điều 3 và được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ (pháo hoa không có thuốc pháo nổ, gồm các loại như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng nhiều màu sắc).

Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Các trường hợp vi phạm sẽ vị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ; trường hợp nếu đốt pháo hoa tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015.

Điểm mới thứ bảy: tại Điều 18 của Nghị định quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo.

Đây là quy định mới, trong đó các đối tượng là người quản lý, người lao động sản xuất, người lao động trực tiếp sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo, người được giao quản lý kho pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo.

Riêng đối với việc huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ thì bổ sung thêm người huấn luyện là chỉ huy bắn pháo hoa nổ, người sử dụng pháo hoa nổ, người bảo vệ, bốc dỡ tại kho pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ. Về các nội dung huấn luyện, trình tự, thủ tục huấn luyện, thẩm quyền huấn luyện được quy định cụ thể tại các khoản 3, 4, 5 và 6, Điều 18 Nghị định này .

KC (Hết)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông