Chuyên mục Tìm hiểu Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT: Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy VK, VLN, CCHT

15:53 07/11/2022

Nếu như Điều 68, Chương VI, Luật số 14/2017/QH14, ngày 20-6-2017, về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quy định chi tiết về việc tổ chức giao nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì các Điều 69, 70 của Luật quy định về bảo quản và trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Cụ thể, Điều 69 Luật quy định về bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom như sau:

Một là. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được bảo  quản chặt chẽ theo quy định. Có nội quy, phương án phòng cháy và chữa cháy.  Không được bảo quản chung trong kho vũ khí, khí tài, kho tài liệu, kho vật tư của đơn vị.

Hai là. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật  liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom thuộc phạm vi quản lý; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Và trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 70 của Luật như sau:

Một là. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được thống kê, phân loại để xác định chất lượng và giá trị sử dụng để thanh lý hoặc tiêu hủy.

Hai là. Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Sau khi tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cơ quan quân sự, công an cấp huyện, đơn vị quân đội cấp Trung đoàn trở lên tiến hành phân loại và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định đưa vào sử dụng hoặc tiêu hủy;

b) Cơ quan cấp trên khi nhận được báo cáo phải xem xét và quyết định cho phép đưa vào sử dụng hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

Ba là. Trình tự, thủ tục tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Sau khi có quyết định tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cơ quan quân sự, công an cấp huyện, đơn vị quân đội cấp Trung đoàn trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và phương án tiêu hủy. Thành phần Hội đồng tiêu hủy gồm: đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng. Phương án tiêu hủy phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường;

b) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

Bốn là. Trường hợp số vũ khí, vật liệu nổ có nguy cơ mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp thì Thủ trưởng đơn vị quân đội, công an cấp huyện, đơn vị quân đội cấp Trung đoàn trở lên quyết định tiêu hủy ngay. Sau khi tiêu hủy phải báo cáo cơ quan cấp trên bằng văn bản.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông