Chuyện nghề ở một đơn vị điều tra

15:43 30/08/2014

 

Không rõ cơ duyên nào, từ khi bước chân vào làm báo tôi đã gắn bó với phòng ANĐT-CATP (PA92), túc tắc thế mà đã trên 20 năm với 4 thời trưởng phòng. Có thể vì từ nhỏ tôi rất mê chuyện “công an bắt gián điệp” nên cũng rất mê các loại án mà đơn vị đã điều tra...

Thượng tá Ngô Quang Tuyến - Trưởng phòng ANĐT-CATP rất tự hào về truyền thống của đơn vị, tâm sự: Các loại tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của đơn vị đều phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội. Chẳng hạn: tội phạm xâm hại đến ANCT; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội phạm về tham nhũng và chức vụ; tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; tội mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, ở “mảng” đấu tranh với loại tội phạm nào, CBCS đơn vị cũng đều hoàn thành công việc ở mức cao nhất.

 Trong các vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và trốn thuế”, Đội án 2 đã làm kiên quyết triệt để. Điển hình, vụ Ngô Văn Hoàn cùng đồng bọn thuê người làm giám đốc, lập và mua lại 30 công ty “ma” để mua bán trái phép hơn 80 quyển hóa đon GTGT với tổng số tiền chưa thuế ghi trên hóa đơn là gần 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 4 tỷ đồng. Vụ Ngô Thị Quỳnh Lê và đồng bọn đã thành lập 6 công ty, trong đó có 5 công ty chỉ để mua bán trái phép hóa đơn GTGT và 1 công ty có hoạt động kinh doanh để trốn hơn 5 tỷ đồng thuế GTGT.

Đây là loại tội phạm rất phức tạp, liên quan đến nhiều doanh nghiệp trong thành phố và các tỉnh thành cả nước. Hành vi của các đối tượng là rất nghiêm trọng; bọn chúng thành lập rất nhiều công ty mà không có hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế, chỉ mua bán hóa đơn, chứng từ kê khai khống hàng hóa để khấu trừ thuế, hoàn thuế, gây thất thoát số lượng rất lớn tiền thuế của nhà nước. Hai vụ án trên Phòng PA92 thụ lý đều được điều tra mở rộng, khám xét, thu giữ nhiều phương tiện gây án, thu trên 600 triệu đồng, đồng thời kiến nghị các cơ quan quản lý thuế ở Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác truy thu hơn 200 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Ở “mảng” tội phạm tổ chức người trốn đi nước ngoài, nhìn chung tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp với các hình thức khác nhau như: trốn bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không với nhiều thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng du lịch, thăm quan, hội thảo, hôn thê, lao động… Một số đối tượng tổ chức là người Việt Nam đang ở nước ngoài thông qua mối quan hệ trong nước móc nối, lôi kéo những người có nhu cầu làm ăn, sinh sống ở nước ngoài để tổ chức cho họ trốn; hoặc lợi dụng tâm lý, nhu cầu đó để giăng bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Vụ án Vũ Trọng Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ XNK Trọng Hoàng. Tuy không có chức năng nhưng Thắng vẫn gian dối, lập công ty để tuyển dụng người đi lao động nước ngoài nhằm chiếm đoạt của nhiều người với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Vụ án được làm rõ, TAND thành phố đã xét xử và tuyên phạt Thắng 20 năm tù. Trong những năm gần đây, nổi lên phương thức hoạt động mới là tổ chức cho người lao động phổ thông trốn sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch tìm việc làm.

Loại tội phạm này xảy ra nhiều ở các địa bàn huyện Kiến Thụy và Thủy Nguyên, điển hình là 2 vụ Hoàng Văn Ninh và Phạm Thị Bích tổ chức cho hàng chục người trốn sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Lao động cơ cực, tính mạng sức khỏe không có gì để đảm bảo, ngoài ra còn biết bao mối nguy cơ tiềm ẩn khác đối với những người trốn sang Trung Quốc tìm việc. Các vụ việc trên đã được Phòng PA92 đấu tranh ngăn chặn hiệu quả, đem lại những bài học từ khâu phòng ngừa khắc phục sơ hở thiếu sót tại các địa phương.

Một loại tội phạm nữa nổi lên trên địa bàn thành phố trong những năm qua với những tính chất phức tạp khó lường là làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ giả để hoạt động phạm tội (trốn đi nước ngoài, trốn truy nã, sử dụng bằng cấp giả để trục lợi…). Qua điều tra phát hiện nhiều đối tượng ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An… tìm về Hải Phòng để làm giả các loại giấy tờ.

Nổi bật là 2 vụ án “Đưa và nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” do các đối tượng Vũ Văn Sáu, Phạm Đình Nghiên - nguyên Trưởng, Phó CAX An Thọ, huyện An Lão, cầm đầu. Các giấy tờ thiết yếu của công dân do các cơ quan nhà nước cấp đã được Sáu, Nghiên và đồng bọn làm giả một cách tinh vi, đều được đóng dấu thật và có hồ sơ gốc tại các cơ quan có thẩm quyền cấp ra. Các đối tượng sử dụng giấy tờ này đều có nhân thân xấu, đặc biệt họ sử dụng giấy tờ giả này để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội khác.

Phòng ANĐT đã vào cuộc mở rộng thành hai vụ án có quy mô lớn, xác định hai đường dây tội phạm có tổ chức chặt chẽ từ các đối tượng ngoài xã hội móc nối với các đối tượng có chức vụ quyền hạn trong các cơ quan nhà nước với những thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này, nhiều đối tượng có chức vụ quyền hạn phạm tội đã bị bắt giữ. Họ phạm tội từ khi được bổ nhiệm là Phó trưởng công an xã đến Trưởng công an xã, Phó chủ tịch UBND xã, đồng thời lôi kéo cấp dưới của mình cùng tham gia; cấp dưới cho rằng cấp trên mình đã làm việc vi phạm này trong nhiều năm mà không bị phát hiện nên cũng tích cực tham gia mà không tính đến hậu quả.

Quá trình điều tra vụ án, đơn vị cũng đã làm rõ 50 trường hợp được làm giả giấy tờ, trong đó nhiều đối tượng trước đó phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng rồi bỏ trốn, như: Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Đồng Xuân Phong phạm tội buôn lậu và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; nhiều đối tượng đã có tiền án tiền sự sau đó lại phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, như Nguyễn Bảo Lanh (tức Lanh “xít”) ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, đã có 2 tiền án lại tiếp tục phạm tội giết người, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Vũ Hùng (tức Hùng “khang”), ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, đã có 3 tiền án lại tiếp tục phạm tội giết người; Nguyễn Ngọc Sơn (tức Sơn “lý”), ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, đã có 1 tiền án, vừa ra tù lại phạm tội giết người… Sau khi có giấy tờ giả, các đối tượng trên lại trở thành những “con người mới” tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội khác.

Qua công tác điều tra, Phòng ANĐT-CATP đã tham mưu cho các cơ quan, đơn vị có liên quan nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, bịt kín những sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra các vụ việc tương tự. Thiếu tá Đinh Trọng Chiềm - Phó trưởng phòng PA92 phấn khởi cho biết: Tin tưởng vào tay nghề điều tra của tập thể đơn vị, từ tháng 10-2013, Giám đốc CATP đã quyết định giao cho Phòng PA92 điều tra tất cả các vụ án xảy ra trên địa bàn thuộc 13 tội danh được quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 236, 263, 264, 274 và 275-BLHS mà không phụ thuộc vào thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân.   

XUÂN NGỌC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông