Chuyện thời cuộc: An toàn vệ sinh thực phẩm nhìn từ nước Nhật

08:19 12/09/2022

Ai đã từng sang nước Nhật đều có chung một nhận xét: thực phẩm của họ quá an toàn. Tất cả các mặt hàng, từ cao cấp tới bình dân đều có quy chuẩn rõ ràng, và khi đã được đưa ra sử dụng là bảo đảm an toàn tuyệt đối, từ thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, cá tươi, tôm cho tới rau, trái cây… Bởi vậy, mọi người ăn mà không cảm thấy lo. Các món ăn nhờ vậy cũng ngon hơn rất nhiều lần nhờ cảm giác yên tâm mang lại. Không những thế, tất cả các sản phẩm đều niêm yết giá rõ ràng nên người tiêu dùng thoải mái chọn lựa, không lo bị mua đắt hoặc mua phải hàng kém chất lượng.

      Có được điều đó là do Nhật Bản luôn có những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, đặc biệt là chất lượng thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một số doanh nghiệp của Việt Nam đã phải ngậm ngùi chịu thua thiệt chỉ bởi sản phẩm thủy sản đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản không đủ các tiêu chuẩn cần thiết, hoặc chỉ cần có dư lượng thuốc kháng sinh quá mức cho phép là bị trả về, không cho nhập khẩu vào Nhật.

      Các tiêu chuẩn quản lý chất lượng trên thế giới được áp dụng một cách khắt khe ở Nhật Bản, đến nỗi các doanh nghiệp coi đây chính là chuẩn mực, là yếu tố quan trọng để mở cánh cửa vào thị trường Nhật Bản. Cũng vì thế mà tất cả các lô hàng được xuất khẩu sang Nhật Bản đều qua quy trình kiểm tra, quản lý rất nghiêm ngặt, ngay từ khâu nuôi trồng, đánh bắt cho tới khi chế biến, vận chuyển và bảo quản. Khi sang tới Nhật Bản thì còn phải qua nhiều khâu kiểm soát gắt gao nữa mới tới tay người tiêu dùng.

          Còn với nông sản được sản xuất tại Nhật Bản cũng qua các quy trình  bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vô cùng chặt chẽ. Những cánh đồng lúa của Nhật rất tốt, những vườn cây ăn quả sai lúc lỉu, những vườn rau xanh tốt đều rất sạch sẽ. Một người bạn Nhật Bản kể lại, người Nhật cẩn thận tới mức, khi thu hoạch, họ đều giữ lại một chút sản phẩm để nếu lỡ có vấn đề gì về an toàn có thể truy xét được nguyên nhân, nguồn gốc. Vì thế, nếu ai đã từng sang Nhật Bản, có thể thấy cơ cấu bữa ăn của họ có nhiều loại cá sống nhưng lại rất an toàn, người ngoại quốc cũng có thể thoải mái sử dụng mà không bao giờ lo bị ngộ độc.

           Như vậy, chỉ có thể là một chế độ kiểm soát và tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm mới mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng. Ở nước Nhật thì như vậy, còn tại Việt Nam, mặc dù thời gian gần đây, an toàn vệ sinh thực phẩm có chuyển biến rất nhiều nhưng người dân vẫn chưa hết lo ngại. Người dân cũng băn khoăn nhiều về chất lượng của các phòng thử nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, cho ra kết quả thiếu chính xác hoặc rất lâu sau khi gửi mẫu mới có kết quả…

    Sự lo lắng của người dân càng ngày càng lớn hơn khi chính những người trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng lại chưa có nhận thức đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng bừa bãi các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản, hóa chất làm chín, hóa chất giữ cho sản phẩm tươi lâu, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng.

      Ai cũng thừa nhận, hệ thống kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của ta chưa tốt, ai cũng lo lắng, băn khoăn nhưng rồi cuối cùng vẫn chưa có biện pháp thật quyết liệt, ngăn chặn tận gốc các sản phẩm không tốt cho sức khỏe con người. Để rồi, người Việt Nam dù là dùng sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước sản xuất đều chưa thật sự có cảm giác yên tâm, vừa dùng, vừa ăn, vừa lo. Nhưng chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác nên đành phải chấp nhận.

          Cho nên, người Việt giờ vẫn đang ao ước, bao giờ có được hệ thống quản lý chất lượng sát sao để người tiêu dùng được hưởng quyền lợi chính đáng của mình.

                                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông