Chuyện thời cuộc Thống kê thiệt hại do bão phải chính xác, khách quan

10:11 21/09/2024

Chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy xác định thiệt hại và bàn giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng dành nhiều thời gian chỉ đạo về công tác thống kê thiệt hại.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, công tác thống kê thiệt hại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khắc phục hậu quả cơn bão. Thống kê càng chính xác bao nhiêu thì biện pháp càng đúng, trúng bấy nhiêu; công cuộc tái thiết và phục hồi sau bão càng nhanh chóng bấy nhiêu.Do đó, công tác thống kê phải có sự thống nhất, khẩn trương, chính xác, trách nhiệm, khách quan, trung thực.

 Quan trọng và ý nghĩa như vậy nhưng theo đồng chí Bí thư Thành ủy, công tác thống kê thiệt hại do bão tại một số địa phương, đơn vị còn chậm và lúng túng. Bão tan đã hơn 10 ngày nhưng số liệu thống kê mới chỉ là bước đầu; còn có sự chồng lấn số liệu giữa ngành và địa phương.

Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu khẩn trương hướng dẫn phương pháp thống kê và kiểm tra công tác thống kê bảo đảm hệ thống dữ liệu thống nhất, không trùng lặp, đúng thời hạn quy định. Trong đó, cần phân loại rõ đối tượng bị thiệt hại (người dân, doanh nghiệp, trụ sở các cơ quan trung ương và địa phương…). Công tác thống kê phải bảo đảm tính pháp lý, nghiêm cấm trục lợi chính sách, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm khắc. Chủ tịch UBND các địa phương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng quy định của số liệu thống kê.

Thống kê thiệt hại do bão phải chính xác, khách quan

          Theo số liệu thống kê ban đầu, do bão số 3, toàn thành phố có 2 người chết, 65 người bị thương. Thiệt hại về tài sản, công trình kết cấu hạ tầng, về nông nghiệp, cây xanh… rất lớn, lên tới gần 11.000 tỷ đồng… Trong đó, thiệt hại về nông nghiệp ước chiếm tới 50% tổng thiệt hại chung. Các địa phương, đơn vị bị thiệt hại lớn là huyện Thuỷ Nguyên, Kiến Thuỵ, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải, An Dương, Đồ Sơn; ngành GTVT; GDĐT; các KCN…

          Theo đề xuất, tổng kinh phí cần sửa chữa các công trình thiết yếu, phục vụ hoạt động của các công trình công cộng hơn 1041 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị, địa phương tự cân đối gần 150 tỷ đồng; đề xuất thành phố hỗ trợ 891 tỷ đồng. 

          Như vậy, căn cứ vào số liệu thống kê, thành phố đã cơ bản định hình được những công việc phải làm, việc ưu tiên trước mắt và lâu dài; lĩnh vực cần phải tập trung ưu tiên nguồn lực. Từ đó, thành phố cân đối các nguồn ngân sách từ nguồn dự phòng, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai; từ cắt giảm các công trình, dự án; hội nghị, hội thảo; tham quan, học tập chưa thật sự cần thiết… Cùng với đó, tích cực huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

 Tuy nhiên, các giải pháp đề ra căn cứ theo số liệu thống kê cũng mới chỉ là bước đầu. Theo quy định, thời hạn thống kê thiệt hại do thiên tai là khoảng 15 ngày sau khi diễn ra. Bởi vậy, thành phố đang chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê chính xác số thiệt hại. Từ đó sẽ có những đề xuất cụ thể và phân bổ nguồn lực ngân sách, nguồn lực xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật. Với tinh thần đó, thống kê thiệt hại càng nhanh, càng chính xác bao nhiêu thì việc khắc phụ hậu quả sau bão càng khẩn trương và hiệu quả bấy nhiêu./.

                                                                                                                                 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông