Chuyện thời cuộc: Phòng thủ chủ động trước mùa mưa

09:52 02/06/2022

Đến hẹn lại lên, mùa hạ bắt đầu cũng đồng nghĩa với một cách gọi khác là mùa mưa, khi mà mật độ và cường độ mưa của khoảng thời gian này luôn cao nhất trong mọi thời điểm khác trong năm. Và mỗi mùa mưa đến, nỗi lo lại hiện hữu khi thành quả trí tuệ nhân tạo hiện chưa thể kiểm soát hết được những tổn thất khó lường từ thiên nhiên.

Hình ảnh lụt trên đường phố Hà nội sau đợt mưa cuối tháng 5 vừa qua (ảnh minh họa)

Đơn cử, qua hệ thống truyền thông đa phương tiện, có thể thấy Thủ đô Hà Nội phải gánh chịu hậu quả thế nào từ trận mưa lụt ngày 29/5 vừa qua. Đường phố chuyển thành sông, giao thông tê liệt, nhiều phương tiện bị ngâm trong nước, hoạt động cộng đồng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đáng nói, câu chuyện này có lẽ không phải riêng của Hà Nội, mà đã xảy ra nhiều lần ở các đô thị lớn khác, trong đó Hải Phòng cũng không ngoại lệ.

Còn nhớ mùa mưa trước, cụ thể là vào tháng 8/2021, đô thị Hải Phòng từng hứng chịu một đợt mưa lụt được mô tả “vô tiền khoáng hậu”. Khi mà mưa rơi như trút kéo dài suốt đêm, mực nước dâng cao tràn ngập cả những con phố vốn dĩ được coi là cao nhất chưa bị ngập úng trước đó.

Và cũng như Hà Nội, hậu quả để lại ngay tức khắc là ách tắc giao thông, hoạt động cộng đồng bị ngưng trệ, thị trường dứt đoạn khiến hàng hóa khan hiếm và tăng giá…

Đấy là chưa kể khi nước lụt dâng cao khiến tài sản của nhiều gia đình tầm thấp bị hư hỏng, thâm chí hậu quả kéo dài mà không tính toán hết được.

Mỗi khi gặp phải tình cảnh như vậy, người ta thường soi xét để đi tìm nguyên nhân. Đương nhiên lụt là tại mưa, mà mưa thì là chuyện tại trời. Nhưng tại sao cũng mưa nhiều mà có đợt lụt đợt không, có đợt mưa xong thì nước rút ngay, lại có đợt mưa tạnh nhưng cả ngày nước không rút?

Nhiều người đổ lỗi cho ngành chuyên môn, nhất là trách nhiệm của Công ty thoát nước. Cũng có người đưa ra lời giải có vẻ “dĩ hòa vi quý”, rằng đó là vai trò điều hòa tự nhiên của thủy triều, khi nước ở đâu thì cuối cùng cũng phải đổ ra sông, mà thủy triều lúc nổi lúc kém, còn cửa cống xả nước không phải lúc nào cũng mở được.

Cũng có người đưa ra phân tích rằng, úng lụt có không ít nguyên nhân chủ quan của con người. Chẳng hạn việc các công trình xây dựng xả thải vô tội vạ, qua thời gian đã tạo những lớp bùn cát dày cản trở hoặc lấp chặn dòng thoát. Rồi rác thải các loại, nhất là túi ni-lon cũng cộng hưởng tích tụ thành bờ lũy từ miệng hố ga đến lòng cống.

Chưa hết, hễ mưa lụt là người ta nghĩ đến chuyện cải tạo hệ thống thoát cục bộ, cách đơn giản là đặt cống cao hơn, để khu mình khỏi lụt, còn nước dồn sang lụt nơi nào thì nơi ấy chịu. Tư tưởng “giật gấu vá vai” này cũng xảy ra ở nhiều công trình mới, có bề nổi rất hoành tráng, văn minh, hiện đại...

Suy cho cùng, cảnh lụt lội sau những trận mưa lớn chính là mặt trái của tốc độ đô thị hóa, khi hệ thống thoát nước được thiết kế công suất ban đầu đã không thể đáp ứng quy mô tăng trưởng ngày một cao. Chỉ tính riêng khu vực nội thành Hải Phòng cũ, hệ thống thoát nước dù được nâng cấp, cải tạo nhưng thực tế vẫn trên nền tảng được tạo ra từ hơn một trăm năm trước. Đây là bài toán không dễ giải, mà trách nhiệm của những cơ quan quản lý hay dịch vụ cũng có chừng mực.

Và giờ thì mùa mưa mới lại đến, những hệ lụy nêu trên rất có thể tái diễn, là lúc câu “sống chung với lũ” đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta bất lực trước thiên tai, mà sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại nếu phòng thủ chủ động, nếu ai cũng nghĩ đến cộng đồng cùng lúc nghĩ đến bản thân mình, trách nhiệm đều cộng hưởng!

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông