Chuyện thời cuộc: Tác động thời hội nhập

14:29 25/09/2022

Theo tin quốc tế, ngày 21/9 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm và báo hiệu có sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Mặc dù đây là động thái nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát đang gia tăng ở nước Mỹ, nhưng với tầm ảnh hưởng của nền kinh tế mạnh bậc nhất thế giới như Mỹ nói chung và tổ chức Fed nói riêng, thị trường thế giới khó tránh một cơ chao đảo mới, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu, chứng khoán, vàng và tiền tệ, mà thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường thế giới.

          Theo các chuyên gia, khi tỷ giá với USD tăng lên, giá trị hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động, giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tính theo VND tăng theo do tác động kép của tỷ giá và lạm phát trên thế giới.

          Không chỉ tác động tới giá hàng hoá nhập khẩu, việc Fed tăng lãi suất có thể tác động tới thị trường tài chính, làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm xuống và điều tương tự sẽ xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam.

          Bên cạnh đó, đối với thị trường vàng, khi Fed tăng lãi suất, giá trị đồng USD tăng khiến giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu, kéo giá vàng Việt Nam giảm theo, điều này khiến vàng trở thành tài sản đầu tư kém hấp dẫn.

          Nói tóm lại, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu như hiện nay, Việt Nam lại đang là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ về hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, thách thức từ bên ngoài cũng chính là “vấn đề” mà chúng ta phải đối mặt.

          Chính vì tính chất quan trọng của nội dung trên, nên ngay sau động thái của Fed, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động nhưng giữ ổn định mặt bằng lãi vay.

          Theo Thủ tướng, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cần phải giữ vững tinh thần “không hoang mang, dao động, chủ động nắm bắt tình hình, sáng tạo trong điều hành”. Mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài.

          Cần phải thấy rằng, thời gian qua giữa những biến động của tình hình thế giới cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng…

          Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá ấn tượng, tình hình thị trường cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt hơn nhiều quốc gia phát triển khác. Đơn cử, khi đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với USD, thì VND vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.

          Tuy nhiên, nếu diễn biến kinh tế thế giới tiếp tục theo hướng tiêu cực như hiện nay, thách thức lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát. Vì vậy theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chính sách tiền tệ và tài khóa phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả cùng các chính sách khác.

          Cùng với đó phải giữ nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu.

          Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.

          Đây là những giải pháp hết sức cần thiết để ổn định tình hình, nhất là khi thời gian đang trong giai đoạn “nước rút” cuối năm, thời điểm hết sức nhạy cảm với mọi hoạt động kinh tế.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông