Chuyện thời cuộc: Thành quả bị thách thức

09:24 29/09/2021

Mặc dù vẫn trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15 về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khi một số quy định được dỡ bỏ, đêm Trung thu vừa qua người Hà Nội đã đổ ra đường như chưa bao giờ có dịch. Trên nhiều tuyến phố, người và phương tiện ken dày đặc, đáng chú ý có rất nhiều gia đình đem theo trẻ em.

(Hình ảnh minh họa)

Sự kiện khiến dư luận hết sức bất ngờ, các hình ảnh liên quan lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội. Đáng quan tâm bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô, mà còn là một trong những khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn nhất khu vực phía Bắc, khi tập trung dân số tới hơn 8 triệu người.

Nhận xét về hình ảnh này, rất nhiều người đã bày tỏ bức xúc, trước sự chủ quan, có thể nói là thiếu trách nhiệm cộng đồng của những người trong cuộc. Vẫn biết là sau bao nhiêu ngày phải kìm nén trong trạng thái bị phong tỏa, giãn cách và thực hiện những biện pháp để phòng, chống dịch bệnh, tâm lý một bộ phận người dân Hà Nội có thể như được “xả láng”.

Nhưng so với mức độ kìm nén mà đồng bào TP Hồ Chí Minh cũng như khu vực phía Nam đang phải gánh chịu, thì những gì người Hà Nội đã trải qua chắc chưa thấm vào đâu.

Hơn nữa, dù là yếu tố nào thì cách thể hiện khi người ta đua nhau đổ ra đường, bất chấp khoảng cách, bất chấp các quy định, bất chấp nguy cơ được xem như là một thách thức đối với công cuộc đấu tranh với dịch bệnh của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua.

Lẽ tất nhiên, chỉ một bộ phận, không phải lỗi của tất cả người dân Hà Nội, nhưng đúng là hành vi khó chấp nhận, khi nó làm tổn hại đến hình ảnh của Thủ đô, đến hình ảnh Việt Nam và rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

 Sự việc đêm Trung thu ở Hà Nội cũng khiến nhiều người nhớ lại đến Ấn Độ, khi hàng triệu người đã bất chấp đại dịch mà tập trung đông ở các lễ hội, điều tương tự cũng xảy ra ở Indonesia, và hậu quả lây lan dịch bệnh cũng đã rõ.

Tại Việt Nam, dù các nguyên nhân còn tiếp tục được làm rõ, nhưng tụ tập đông người cũng được cho là một trong những tác nhân chính gây ra làn sóng dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Khiến cả nước phải gồng mình, bao nhiêu nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép” đạt được trước đó, lại phải chật vật từng bước khắc phục.

          Đây là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc, vì từ góc độ quản lý, các giải pháp phù hợp của cơ quan chức năng hoàn toàn có thể ngăn chặn tình trạng trên. Nên từ sự việc ở Hà Nội, trách nhiệm của một bộ phận dân chúng là đã rõ, nhưng cũng cần phải nhắc đến những nguồn trách nhiệm khác, không chỉ cho riêng Hà Nội mà còn đối với các địa phương cả nước, mà Hải Phòng cũng không ngoại lệ.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông