10:45 07/08/2022 Thời gian gần đây, câu chuyện về “loa phường” từ Hà Nội đã trở thành một trong những đề tài được bàn thảo sôi nổi, lan tỏa đến nhiều địa phương khác, đồng thời chiếm một dung lượng không nhỏ trong hệ thống báo chí chính thống. Chủ yếu là những tranh luận “bỏ” hay tiếp tục dùng “loa phường”.
Thực thế, “loa phường” chỉ là cách gọi phổ biến của một bộ phận dân cư trong đô thị, còn ngoài ở phường, hệ thống loa tương tự còn được sử dụng ở các xã, thị trấn và nhiều tụ điểm công cộng khác trên địa bàn cả nước. Theo khái niệm chung, dạng hình này được gọi là “truyền thanh cơ sở”, chính thức được công nhận trong hoạt động thông tin cơ sở và phát huy tác dụng trong mấy chục năm qua.
Với chức năng là kênh thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở mà người dân cần biết để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của chính quyền, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trên địa bàn. Ưu điểm của truyền thanh cơ sở là phương tiện truyền thông chi phí thấp, tiếp cận thông tin nhanh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc trưng tiếp nhận thông tin của người dân địa phương.
Có quan điểm cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, khi thông tin đã “thừa mứa” trên không gian mạng, thì có nhất thiết phải sử dụng hệ thống loa phường, xã nữa không? Ý kiến này, xét góc độ nào đó cũng có phần đúng, tuy nhiên ở góc độ hình thức truyền thông, hiệu quả thông tin, tuyên truyền thì có lẽ thực tế không hẳn như vậy.
Điều quan trọng là, khác với cách tiếp cận thông tin theo kiểu xem-nghe-đọc lướt trên mạng Internet hoặc phương tiện hiện đại, truyền thanh cơ sở thường đề cấp đến những vấn đề cụ thể, thiết thực, gần gũi với cư dân dịa phương, điều mà phương tiện đại chúng khác khó có thể đáp ứng. Ví dụ như những văn bản chính sách mới, thông tin mới có tác động trực tiếp đến người dân, cảnh báo về nguy cơ thiên tai, tội phạm, tai nạn trên địa bàn… Đặc biệt trong hơn hai năm cả nước gồng mình triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, có thể nói truyền thanh cơ sở là một trong những phương tiện thông tin hoạt động hiệu quả nhất.
Mặc dù vậy, điều mà nhiều người tỏ ra không ủng hộ dạng hình truyền thanh cơ sở này, có lẽ do âm thanh lớn gây khó chịu cho những gia đình cận kề, nhất là nhà có trẻ nhỏ, có người đi làm ca đêm cần nghỉ ngơi ban ngày. Nhưng bên cạnh đó, cũng có lỗi từ những người được giao nhiệm vụ vận hành, khi “chèn” thông tin truyền thanh những nội dung không phải nhu cầu đại chúng, đôi khi chỉ là bài hát, bản nhạc hay những thông tin mang ý chí chủ quan của người đưa lên. Hoặc giờ “phát” của hệ thống có mật độ dày, trùng lặp nhiều, cũng có thể là thời gian chưa thực sự thích hợp.
Nhưng nếu duy trì, cần có cách nhìn cầu thị, để hệ thống được vận hành phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, giảm bớt những phiền nhiễu khong cần thiết và thực sự hiệu quả với số đông trong cộng đồng.
Hoàng Minh
17:14 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết