Chuyện thời cuộc: Giữ nhân tài

09:41 06/09/2018

Vậy là vòng nguyệt quế của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 đã thuộc về Nguyễn Hoàng Cường-học sinh Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh.

Các nhà quán quân Olympia được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, hiện đại

Cùng với niềm vui của nhà vô địch, gia đình, nhà trường, bạn bè, thậm chí là cả tỉnh, thành phố thì một trang mạng của cộng đồng người Việt tại Úc cũng có lời chúc mừng “nhói” lòng: “Nước Úc có thêm một nhân tài ”!

Đành rằng các quán quân nhận được học bổng các trường đại học tại Úc, nhưng điều đáng nói là đến nay, chưa tính nhà vô địch Hoàng Cường thì theo thống kê có tới 15/17 nhà vô địch leo núi học xong đã không… trở về quê hương?! Sau khi học xong, các em đều lựa chọn trở thành giảng viên các trường đại học hoặc làm việc tại nước Úc, rồi lập gia đình, sinh sống tại quốc gia này.

Không khỏi chạnh lòng khi các nhà quán quân đều là những ngôi sao sáng của sân chơi trí tuệ Olynmpia. Kiến thức của cuộc thi đòi hỏi các em không chỉ giỏi, hiểu biết khá toàn diện mà còn là sự nhanh nhạy, thông minh, kỹ năng sống tốt.

Với nền tảng ấy cộng với nền giáo dục đại học của một nước tiên tiến như Úc, chắc chắn các nhà quán quân là những cử nhân xuất sắc. Ấy thế nhưng các em lại không trở về để phục vụ quê hương?!

Tuy không đại diện cho phần đông các nhà leo núi, song cá nhân Á quân Nguyễn Thành Vinh của năm thi đầu tiên đã mạn dạn tâm sự rằng: “Tôi cũng định quay về Việt Nam sau khi học xong đại học, nhưng khi đó tôi nhận thấy không có một cơ hội công việc rõ ràng nào cả. Tôi vốn thích nghiên cứu nên đã tiếp tục xin học bổng Tiến sỹ và ở lại học tiếp, rồi chuyên tâm với công việc giảng dạy.

Điều kiện, môi trường làm việc bên Úc tốt hơn cho những ai học xong, được làm đúng công việc mà mình đã học và có thể sống khoẻ, sống yên, sống với chuyên môn mà không cần phải chạy đua chức tước hay gì cả”?!

Tâm sự của Nguyễn Thành Vinh đã gây tranh cãi nhưng người xưa cũng có câu “sự thật mất lòng”. Các quán quân khác không giãi bày trên công luận nhưng quyết định lập nghiệp, sinh sống lâu dài, cống hiến, làm việc cả thời tuổi trẻ tại đất nước chuột túi, phải chăng cũng là một câu trả lời?

Phải thẳng thắn nhìn nhận thì những con số, tâm sự trên cho thấy, chúng ta đang chảy máu chất xám của một sân chơi trí tuệ mà ở đó chứa đựng biết bao hoài bão, kỳ vọng của không chỉ các cá nhân mà còn là của một bộ phận không nhỏ cộng đồng xã hội.

Sau những hân hoan, tự hào, vinh dự, đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia cần ngồi lại, trao đổi để tìm ra những giải pháp thu hút, giữ chân nhân tài, bởi đây chính là ngọn nguồn, khởi thuỷ, động lực của phát triển. 

Kim Oanh 

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông