Chuyện thời cuộc: Trung thực để phát triển

09:36 29/06/2019

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, thời gian qua, nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo.

Đó là thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; Thay đổi phương thức nhập khẩu, cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn; Nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực… Các động thái này làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung-cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua và ảnh hưởng trực tiếp đến các nước xuất khẩu gạo như Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, công tác điều hành xuất khẩu gạo các tháng đầu năm 2019 vẫn được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bám sát tốt mục tiêu tiêu thụ thóc gạo vụ Đông Xuân cho nông dân và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Cụ thể hai bộ đã phối hợp báo cáo Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ nông dân; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp làm quen với cơ chế nhập khẩu gạo mới của Philippines.

Đặc biệt với việc thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã thể hiện tư duy quản lý mới của Bộ Công Thương theo hướng giảm chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.

Tính đến ngày 31-5, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,7 triệu tấn, đạt khoảng 1,18 triệu USD. Kết quả đạt được thời gian qua là nhờ sự nỗ lực của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong việc nhanh nhạy tìm kiếm thị trường mới, nắm bắt nhanh sự thay đổi cơ chế của thị trường Philippines và nhu cầu các thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana tăng lên... giúp cho việc tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân.

Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được quy định ưu đãi trong Nghị định 107; nhiều thương nhân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành (mới 76/177 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có báo cáo gửi Bộ Công Thương, trong đó chỉ có hơn một nửa có báo cáo định kỳ, thường xuyên.

Xác định trong thời gian tới thị trường gạo thế giới vẫn còn diễn biến khó lường. Do đó để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ Công thương bên cạnh việc đề nghị các bộ liên quan cần phối hợp chặt chẽ làm tốt thông tin cập nhật về thị trường, coi trọng thị trường lớn như Trung Quốc. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo cần phải trung thực về năng lực sản xuất, chế biến, năng lực kiểm soát chất lượng hạt gạo. “Làm sao mỗi hạt gạo đứng tên doanh nghiệp phải đạt chất lượng, đừng để hàng xuất đi lại bị trả về”.

Như vậy, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, chỉ có trung thực mới giữ được chữ tín và bảo đảm được sự phát triển được bền vững.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông