18:28 22/09/2014
Là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp nhất thành phố nhưng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TU của Thành ủy (NQ29), kinh tế Kiến Thụy đã gặt hái nhiều kết quả ấn tượng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện (22-9-1944 * 22-9-2014), phóng viên báo ANHP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Duy Bình - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy về vấn đề này. PV: Xin đồng chí cho biết đôi nét về thực hiện NQ29? Đ/c Nguyễn Duy Bình: Năm 2009, BTV Thành ủy đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển huyện Kiến Thụy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đây là cơ hội lớn cho huyện trong bối cảnh vừa tổ chức cơ cấu lại toàn diện sau khi chia tách phục vụ thành lập quận Dương Kinh. Chính vì vậy, huyện đã bám sát tinh thần Nghị quyết, quán triệt sâu rộng, đạt sự đồng thuận cao từ Huyện ủy đến các cấp ủy, chính quyền và tầng lớp nhân dân. Đồng thời cụ thể hoá Nghị quyết đại hội lần thứ 23 của Đảng bộ huyện, xác định phát triển kinh tế phải gắn với quy hoạch và phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Theo Chương trình hành động của UBND TP về thực hiện NQ29, trong 5 năm qua, huyện đã phối hợp tốt với các ban ngành thành phố, lập dự án đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện đến năm 2020, đồng thời trình phê duyệt các quy hoạch hạ tầng. Huyện cũng chỉ đạo xây dựng nhiều đề án khác, một trong những nội dung quan trọng nhất là đề án về công tác cán bộ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, nhằm ổn định phát triển kinh tế trong bối cảnh huyện có nhiều biến động nhân sự khi chia tách. PV: Huyện đã đạt được những kết quả nổi bật nào về phát triển kinh tế, thưa đồng chí? Đ/c Nguyễn Duy Bình: Là huyện thuần nông nên nhiệm vụ đầu tiên là phải vượt qua nề nếp cũ, tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Huyện đã tạo điều kiện phát triển mọi thành phần kinh tế, nếu như năm 2008 huyện mới có 22 doanh nghiệp, thì đến nay đã có 95 doanh nghiệp cùng với 36 HTX được tổ chức lại và 8.900 hộ kinh doanh cá thể. Trên địa bàn huyện hiện có 82 trang trại, 474 gia trại hoạt động hiệu quả.
Dự kiến năm 2014, tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 64,51%; thu nhập bình quân đầu người 18,26 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần; tổng thu ngân sách 39 tỷ đồng, tăng 595,7%... so với năm 2008. Huyện được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu thành phố trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay tổng thể đã đạt bình quân 12 tiêu chí, điển hình là xã Đoàn Xá hoàn thành từ năm 2013 và xã Ngũ Đoan theo tiến độ sẽ hoàn thành năm 2014. So với mục tiêu của NQ29 đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đã đạt tiệm cận mức bình quân chung của thành phố, chất lượng cuộc sống người dân từng bước được cải thiện, phản ánh qua những con số cụ thể như tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt 37% tổng số lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 9,5% năm 2009 dự kiến xuống còn 3,71% năm 2014... Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng huyện còn nhiều thách thức phải vượt qua, chẳng hạn như việc triển khai các đồ án quy hoạch, các công trình, dự án còn chậm, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế so với tổng dự toán. Bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững, nguồn nhân lực chưa thực sự ổn định, trong khi phải tập trung khắc phục những hạn chế do lịch sử để lại. PV: Theo đồng chí, để tiếp tục phát triển kinh tế như mục tiêu NQ29 đề ra, huyện cần phải có những giải pháp gì? Đ/c Nguyễn Duy Bình: Nhìn lại kết quả đạt được trong 5 năm qua, chúng tôi nhận thấy cần phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn, nhất là phải hòa nhịp trong điều kiện thành phố đang đẩy mạnh thực hiện Kết luận 72 của Bộ Chính trị. Trước mắt tập trung khắc phục dứt điểm những hạn chế, củng cố vấn đề then chốt mang tính quyết định là chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và các nguồn nhân lực khác. Huyện chủ trương ưu tiên đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành tổng thể. Về kinh tế, phát huy lợi thế vùng, bên cạnh phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, huyện chọn thủy sản là ngành trọng tâm theo hướng sản xuất hàng hóa. Cụ thể là quy hoạch các vùng chăn nuôi khép kín, ứng dụng KHCN gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, khai thác tiềm năng ở các xã ven sông biển. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả lợi thế du lịch sinh thái, nhất là các khu rừng ngập mặn, khu vui chơi giải trí kết nối hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, có lịch sử văn hóa lâu đời, con người Kiến Thụy vốn cần cù, sáng tạo và đoàn kết, trong thời gian tới khi các dự án trọng điểm của thành phố và quốc gia liên quan đến huyện được đưa vào khai thác, huyện Kiến Thụy sẽ tiếp tục thực hiện thành công NQ29 của Thành ủy, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế xã hội. PV: Xin cảm ơn đồng chí! Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu phấn đấu đến năm 2020 của huyện Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thuỷ sản 24,6%; công nghiệp, xây dựng 33,71%; thương mại, dịch vụ 41,69%; tăng trưởng từ 13 đến 15%; thu nhập bình quân 35,66 triệu đồng/người/năm; sản xuất nông nông, lâm, thủy sản đạt 948,7 tỷ đồng; công nghiệp, xây dựng 1.329,4 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt 1.539,2 tỷ đồng; tổng mức đầu tư phát triển 2.775 tỷ đồng... LÊ MINH THẮNG thực hiện |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết