10:02 24/08/2019 Có một Hải Phòng trong anh là “Đêm nằm nghe sóng vỗ/Mơ con thuyền ra khơi”, hay trong tôi là “Hải Phòng tiếng còi tàu vào ca mỗi sớm bình minh/Áo thợ bạc mồ hôi-nụ cười tươi mới/Những hàng cây soi mời rời rợi/Sông Lấp… bốn mùa xanh mát lung linh”… Chắt chiu những giọt ngọc của tình yêu dành cho thành phố Cảng thân thương, các nhà thơ hôm nay đã viết nên rất nhiều những tác phẩm đẹp về quê hương Hải Phòng.
Trong các tác phẩm thơ mới, Hải Phòng là một thành phố tràn căng sức sống với những công trình, dự án mang tầm quốc tế nhưng vẫn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống
Hải Phòng xưa và nay vẫn luôn mênh mang sóng nước mây trời với những con người sinh ra từ biển, được biển nuôi dưỡng chở che, vỗ về nên cuộc đời gắn liền với biển, sống với biển và chết cùng biển.
Tác giả Phạm Vương đã viết về những con người ấy với bao tình cảm rất đỗi thiêng liêng trong bài thơ “Nghe lời ru của biển”. Bài thơ được Phạm Vương viết vào một đêm xuân tại Cát Bà.
Trước rì rào sóng vỗ, nhà thơ kể câu chuyện cuộc đời mình: “Giữa mặn chua đồng bãi gần xa/Ta đã lớn lên trong vòng tay mẹ/Sau tấm lưng cha nồng khét mồ hôi/Thấy những tháng năm đất trời rung chuyển/Bao máu xương thắm quyện màu cờ/ Ta lớn cùng những niềm mơ bát ngát/Thấy những núi văn, sông hát, trăng thơ/Thấy cả trời xanh, biển biếc vô bờ…”.
Cùng hòa trong dòng cảm xúc ấy, tác giả Lê Anh Phong lại dành những lời có cánh dành cho Bạch Long Vỹ đảo quê hương trong bài thơ “Lung linh vọng gác tiền tiêu”.
Trong tứ thơ ấy, người đọc thấy hiện lên một Bạch Long Vỹ luôn “lung linh” dù “Qua bom đạn, qua bão bùng mưa nắng”, “Cùng người dân huyện đảo kiên gan/Trải giông gió giữa biển trời Tổ quốc”.
Những câu thơ dâng tràn niềm yêu thương, tự hào của tác giả đối với “Hòn đảo kiên cường/Những năm tháng can qua/Đang trỗi dậy phổng phao màu xây dựng/Vững chãi âu thuyền, sừng sững con đê biển/Kết tụ mồ hôi xương máu biết bao người”.
Tình yêu với Hải Phòng trong thơ của Đặng Xuân Giang lại mang màu sắc lãng mạn về một đêm Cát Bà vừa nhớ lại vừa thương gắn với một kỷ niệm tình yêu rạo rực của những xúc cảm.
Là người Hải Phòng, có lẽ sẽ rất rất nhiều người có những kỷ niệm tình yêu đẹp thế này: “Đêm Cát Bà những đôi lứa trẻ trung/Những nụ hôn nồng nàn hương biển/Những thổn thức trong đêm trăng hò hẹn/Con thuyền tình trôi dạt phía Sao Mai” (Đêm Cát Bà thiếu vắng một mình em).
Hải Phòng-thành phố của hoa phượng đỏ. Loài hoa ấy không biết từ khi nào đã trở thành biểu trưng cho mảnh đất, tâm hồn người Hải Phòng.
Người Hải Phòng lưu giữ hình ảnh, sắc hoa ấy như một báu vật trong trái tim. Đã có rất nhiều thi ca, nhạc họa viết về loài hoa “thắp lửa” ấy với những bùng cháy của biết bao yêu thương, khát khao.
“Hải Phòng hoa phượng” của tác giả Lê Anh là một trong những tác phẩm đó”. Nhà thơ tha thiết gọi: “Ơi màu hoa/ Son sắc phượng hồng/Màu tinh túy người lên từ ruột đất/Màu lửa trái tim/Màu cờ Tổ quốc/Đỏ tươi lấp lánh chiến công…”
Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn lại thể hiện tình cảm của mình “Với Hải Phòng” trong tình yêu đối với từng góc phố, hàng cây, dòng sông, với những gì “rất Hải Phòng” cùng bao kiếp người bé nhỏ: “Ơi sông Tam Bạc đừng trôi/Để ta vớt giọt mồ hôi bao đời… Còi tầm rúc lên lầm than/Tiếng kêu thân phận cơ hàn ngày xưa… Lắng nghe/ Cầu Đất/Nhà Chung… Nhỏ nhoi chân bước mà rung đất trời”.
Viết về “Hải Phòng hôm nay” tứ thơ của tác giả Nguyễn Thị Thúy Ngoan khắc họa hình ảnh của một thành phố năng động, tràn căng sức sống với những công trình, dự án mang tầm quốc tế nhưng vẫn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Nhà thơ miêu tả: “Thể kỷ 21 hội nhập trái đất quay/Thành phố Hải Phòng thế đứng rồng bay/Nhà máy ô tô VinFast nằm trên đảo Cát/Thương hiệu Việt Nam-cùng thế giới hôm nay…” Bên cạnh đó là “Sông Bạch Đằng còn âm vang dội sóng/Có bến Nghiêng, Pháp thất trận rút quân về/Hàng trawnm chuyến hải trình làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh”.
Không chỉ dành tình yêu với mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, các nhà thơ còn dành nhiều tâm tư, tình cảm với con người nơi đây. Nhà thơ Nguyễn Mạnh Chu trong “Nguyên Hồng ông ở đâu” đã thể hiện sắc cảm vô cùng mạnh mẽ của mình đối với nhà văn Nguyên Hồng-một tác giả không chỉ có người Hải Phòng mà khán giả cả nước mãi nhắc nhớ tên ông: “Về Hải Phòng khi “Cơn bão đến”/Nguyên Hồng! Ông ở đâu?/Hun hút Cát Dài/Dòng Cấm thẳm sâu/Lạc phố Cấm, cánh Đồng Sa mờ mịt/Bức bối tối tăm, mẹ La vượt ngục/Nước mắt Người còn đẫm mặt Gái Đen”.
Bên cạnh đó còn có bài thơ “Cũ và mới” của tác giả Tô Ngọc Thành viết về nữ họa sĩ Sơn Trúc-người họa sĩ tài hoa của thành phố Cảng và bài thơ “Người đàn ông dậy lửa” của Nguyễn Cường viết tặng nhà thơ Phạm Xuân Trường.
Có thể nói, Hải Phòng là một mảnh đất đặc biệt với rất nhiều thế hệ người Hải Phòng đặc biệt tài hoa, đã tạo nên 1 khí phách, một phong cách Hải Phòng không nhòa lẫn ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Vì vậy, mảnh đất này luôn tạo được ấn tượng khó phai không chỉ người đối Hải Phòng mà còn gieo bao thương nhớ trong trái tim của bao người ở những vùng quê khác.
Xin được phép dùng những câu thơ viết về “Thành phố tôi yêu” của tác giả Lê Phương Liên thay cho lời kết của bài biết này: “Tôi sinh ra không phải ở đất này/Sao ngọt ngào và đắm say đến thế/Mái tóc xanh đã nhuốm màu dâu bể/Chân trời nào cũng có cánh buồm đi/ Tôi yêu Hải Phòng một mối tình si/Có vị mặn đằm sâu trong tiềm thức/Trái tim non đã bao lần rạo rực/Trước phượng hồng và biển thẳm mênh mông…”.
Xuân Hạ
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh