17:40 15/01/2024 Chiều 15-1, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch).
Tới dự có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các cơ quan Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các tỉnh Hải Dương; Thái Bình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Phó chủ tịch HĐND; Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện; các tổ chức quốc tế và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn…
Cụ thể hóa khát vọng phát triển thành phố Hải Phòng
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, quy hoạch là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển thành phố Hải Phòng theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của thành phố Hải Phòng. Quy hoạch được xây dựng bảo đảm tính khoa học, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của Hải Phòng. Toàn thành phố thống nhất cao nhận thức và hành động, triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch đưa ra 6 quan điểm phát triển và xác định rõ mục tiêu phát triển. Theo đó, đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng và chuyên nghiệp, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch cũng đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển về Cảng biển và dịch vụ logistics; chuyển đổi số; du lịch; 3 định hướng mới, nổi bật; trong đó có định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng; thành lập Khu thương mại tự do trong Khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế về khu thương mại tự do, áp dụng tại thành phố Hải Phòng.
Đồng thời hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc; xây dựng mới các tuyến đường sắt; phát triển, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ; tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó điểm nhấn là ưu tiên phát triển nguồn điện gió ngoài khơi (công suất dự kiến 2.500MW)…
Để hoàn thành tốt các định hướng, các mục tiêu của quy hoạch, thành phố Hải Phòng đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực và triển khai thực hiện, giám sát việc thực hiện quy hoạch. Đó là các giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; về các cơ chế chính sách; về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen cho 7 tập thể và 1 cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng quy hoạch.
Khẩn trương đưa quy hoạch vào cuộc sống
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, quy hoạch thành phố Hải Phòng được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng phát triển trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Phó thủ tướng đề nghị Hải Phòng cần nỗ lực để tận dụng và phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 35. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. Cùng với đó, thành phố cần sớm hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch theo hướng nguồn lực Nhà nước đóng vai trò động lực dẫn dắt thu hút nguồn lực xã hội.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Hải Phòng cần ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn...
Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới, (như hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng…) mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm…, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua phát triển hệ sinh thái kinh tế số, năng lượng sạch, du lịch xanh; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và khẳng định sẽ triển khai nhanh các giải pháp để nhanh chóng đưa quy hoạch vào cuộc sống.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai các nội dung của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố.
Đặc biệt, cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý để tập trung chỉ đạo triển khai. Trong đó, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển là: Cảng biển và dịch vụ logistics; Chuyển đổi số và Phát triển du lịch; 9 nhóm giải pháp đã được xác định trong Quy hoạch.Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển để phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, ủng hộ Hải Phòng sớm phê duyệt các KCN mới đã trình; hỗ trợ, hướng dẫn và phê duyệt đồ án quy hoạch thành phố Thuỷ Nguyên và quận An Dương; ủng hộ Hải Phòng thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam; xây dựng cảng nam Đồ Sơn, trước hết là 2 bến khởi động; xác định Sân bay Tiên Lãng là sân bay thứ hai vùng Thủ đô; ủng hộ Hải Phòng phát triển điện gió theo quy hoạch…
Hồng Thanh
22:33 14/01/2025
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Phòng An ninh kinh tế - CATP: Phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường
Chuyên mục luật phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh