Công nghiệp Hải Phòng – Đặt niềm tin vào giai đoạn phát triển mới

11:32 22/06/2021

Nhìn lại 35 năm đổi mới, qua nhiều thời điểm khác nhau, Trung ương luôn định hướng, xác định phát triển Hải Phòng là trung tâm công nghiệp của khu vực phía Bắc và cả nước. Đây là cơ sở quan trọng, để ngành công nghiệp thành phố khẳng định vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Một cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng

          Trên nền tảng chiến lược

Về định hướng chiến lược, trong giai đoạn trước Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị là điểm nhấn hết sức quan trọng, xác định rõ nét mục tiêu phát triển công nghiệp, tạo tiền đề để thành phố vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, đưa công nghiệp trở thành phân ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao đã đạt được những thành tựu quan trọng, thể hiện tập trung trong những năm gần đây.

Đơn cử trong thu hút nguồn lực đầu tư vốn FDI, nếu như giai đoạn mấy chục năm trước, các dự án FDI chủ yếu đến từ Châu Á nhưng đến nay đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư đến Hải Phòng, chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Điều tích cực là, sau một giai đoạn thu hút đầu tư có phần ồ ạt, phần lớn nhằm giải quyết vấn đề nhân công, thời gian qua chúng ta đã chuyên sau vào lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, đã thu hút được nhiều dự án tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo mới, từ các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, thuộc nhóm thương hiệu hàng đầu thế giới như các nhà máy của Tập đoàn LG, GE, Bridgestone, Chevron, Idemitsu, Kyocera, Nippro Pharma, Fuji Xerox…

Bên cạnh đó, thành phố cũng thu hút trên 200 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng, phần lớn vào các lĩnh vực truyền thống như: đóng tàu, sản xuất xi măng, sản xuất thép, sản xuất và phân phối điện, sản xuất da giày, dệt may…

Đặc biết bậc nhất phải kể đến Tổ hợp công nghệ Vinfast của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại đảo Cát Hải, đánh dấu mốc quan trọng, tạo sự chuyển biến về chất của nền công nghiệp, thiết thực góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Không dừng ở đó, Hải Phòng còn có bước tiến xa hơn khi khép kín bản đồ công nghiệp trên địa bàn với các dự án sản xuất, chế biến ở khu vực ngoại ngành, tiêu biểu là dự án Nhà máy chế biến nông sản tại huyện Tiên Lãng; Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco tại huyện Vĩnh Bảo...

Công nghiệp ngày càng khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và góp phần chủ đạo trong phát triển kinh tế thành phố, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo đúng định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp được phân bố ở 14 quận huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) với nhiều phân ngành gắn liền với đặc điểm và lợi thế của từng địa phương. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, sử dụng hiệu quả hơn năng lượng, lao động. 

Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Vinfast tại Cát Hải

          Tự tin trên lộ trình phát triển

Với kết quả đã nêu, có thể nói chưa có thời điểm nào thành phố lại có những bước đột phá chiến lược trong phát triển công nghiệp như những năm qua. Đánh giá về lĩnh vực này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các Bộ, Ban, ngành Trung ương trong các chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng đều có chung nhận xét: Ngành công nghiệp phát triển mạnh, đã từng bước đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước. 

Thành tựu công nghiệp không chỉ tạo nguồn đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh và lớn nhất nước, mà còn tạo thế chủ động cho nguồn lực thương mại, dịch vụ.

Quan trọng nữa, công nghiệp phát triển tiếp tục tạo nhiều việc làm, tương hỗ với thu nhập cho cộng đồng xã hội, đồng thời tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước. Rõ ràng, mục tiêu phát triển công nghiệp đã đem đến những kết quả thiết thực, toàn diện, cho thấy tính chất quan trọng trong phát triển kinh tế đồng bộ.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện những bài học thành công và chưa thành công, Nghị quyết đại hội 16 Đảng bộ thành phố đã xác định ngành công nghiệp Hải Phòng cần một cuộc cách mạng mới, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, để thực sự là cú hích cho kinh tế Hải Phòng, với mục tiêu phấn đấu cao hơn.

Với việc đặt công nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng nhất, trong giai đoạn mới,  thành phố khuyến khích kinh tế đa thành phần, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng sản xuất vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Chủ trương là tăng tỷ trọng ngành sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định đã phát huy hiệu quả. 

Trong chiến lược dài hạn, công nghiệp thành phố phấn đấu tái cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển các nhóm ngành cơ khí chế tạo, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, chế biến xuất khẩu… và công nghiệp hỗ trợ liên quan, đặc biệt là tập trung phát triển sản xuất ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến.

           Quan điểm nhất quá là tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo với hai ngành chủ lực là sản xuất chế tạo ô tô và điện tử - tin học. Dựa trên nền tảng thuận lợi về hạ tầng, thủ tục hành chính, quỹ đất để tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn LG, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố. Thành phố cũng chủ trương đến năm 2025, phát triển 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha, 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973 ha.

Mặc dù vậy, tình hình thế giới còn nhiều thách thức, các địa phương khác trong cả nước cũng không ngừng phát triển theo xu hướng thời đại, đòi hỏi nền kinh tế nói chung và công nghiệp của Hải Phòng nói riêng cần có nhiều hơn nữa sự vận động mang tính cách mạng, đáp ứng đúng và đủ yêu cầu trong tình hình mới, nhất là giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, làm tê liệt kinh tế thế giới nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng.

Theo đó, điều quan trọng là ngành công nghiệp cần phải tập trung giữ vững nhịp độ tăng trưởng, nhận thức đúng tình hình, rà soát lại từng chỉ tiêu kế hoạch, chuyển thách thức thành cơ hội. Đồng thời nắm chắc tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để ổn định sản xuất kinh doanh...

Tin tưởng rằng, những bài học sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 15, cũng như quá trình gần 2 năm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế, sẽ là đòn bẩy quan trọng để công nghiệp Hải Phòng tiếp tục bứt phá trên lộ trình tiếp theo.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông