Công nghiệp Hải Phòng- Khẳng định vai trò trụ cột phát triển kinh tế (Kỳ 3) - Tự tin mở cửa vào giai đoạn mới

20:28 24/09/2020

Trên cơ sở đánh giá toàn diện những bài học thành công và chưa thành công 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, cho thấy ngành công nghiệp Hải Phòng cần một cuộc cách mạng mới. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 thực sự là cơ hội lớn nhằm tạo cú hích cho kinh tế Hải Phòng nói chung và công nghiệp Hải Phòng nói riêng, với mục tiêu phấn đấu cao hơn.

Ô tô Vinfast, niềm tự hào thương hiệu Việt sản xuất tại Hải Phòng

          Quan điểm khởi động đồng bộ, phát huy nội lực bằng thực chất, tập trung cho đầu tư dài hạn, tạo nền tảng để khai thác bền vững đã được hiện thực hóa trong những năm qua. Điều đáng nói là, sau thời gian có dấu hiệu suy giảm về tốc độ tăng trưởng, công nghiệp thành phố có sự trỗi dạy mạnh mẽ. 

Chỉ cần so sánh với các năm trước thời điểm diễn ra đại hội 15 Đảng bộ thành phố (2015) đã thấy rõ điều đó. Nếu như những năm trước đó chỉ số phát triển công nghiệp tăng trưởng chậm, có lúc rất chậm chỉ dưới 10%, thì trong giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng đã đạt mức bình quân 21,26%/năm.

Đây là sự khởi đầu ấn tượng, trong đó công nghiệp được xác định là một trong những mũi nhọn chủ lực. Chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế biển, tăng tỷ trọng ngành sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định đã phát huy hiệu quả.

           Trong chiến lược dài hạn, công nghiệp thành phố phấn đấu tái cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển các nhóm ngành cơ khí chế tạo, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, chế biến xuất khẩu… và công nghiệp hỗ trợ liên quan, đặc biệt là tập trung phát triển sản xuất ứng dụng kho học – kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, công nghiệp thành phố phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt, nhất là những nước trong khu vực.

Nhìn vào thực tế, những con số tích cực kể trên mới thể hiện sự nỗ lực trong tình hình chung, chứ không thể ngộ nhận về mục tiêu tăng trưởng. Bởi bên cạnh các yếu tố thuận lợi, sản xuất công nghiệp còn phải đối mặt với những áp lực lớn cả trong nước và toàn cầu. Mặt khác, hậu quả của quá trình tái cơ cấu cũng sẽ phát sinh những lực cản mới, trong khi ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến bất ổn trên thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường.

          Để chuẩn bị định hướng chiến lược cho giai đoạn phát triển mới, quá trình tổ chức xây dựng, lấy ý kiến đóng góp vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2020-2025 đã được cụ thể hóa trong văn kiện Đại hội 16 Đảng bộ thành phố.

Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, với những kết quả đạt được, Hải Phòng hoàn toàn tự tin khi đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cho Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 23,2%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt 36,4%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2025 đạt 47% đến 49 %. Đây cũng là mục tiêu lớn theo định hướng của Nghị quyết 45-NQ/TW.

Sản phẩm ống nhựa Tiền Phong của Hải Phòng

          Thành phố cũng chủ trương chung cho toàn nền kinh tế: “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên động lực là ứng dụng khoa học - công nghệ, các ngành kinh tế chủ lực có lợi thế để phát triển bứt phá”. Trong đó công nghiệp được xác định là trụ cột, với việc khuyến khích kinh tế đa thành phần, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng sản xuất vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp lớn cho ngân sách, có nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có tác động lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2025, khu vực kinh tế FDI đóng góp 30,75% vào GRDP thành phố.

Quan điểm nhất quá là tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo với hai ngành chủ lực là sản xuất chế tạo ô tô và điện tử - tin học. Dựa trên nền tảng thuận lợi về hạ tầng, thủ tục hành chính, quỹ đất để tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn LG, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố.

Thành phố cũng chủ trương đến năm 2025, phát triển 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha, 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973 ha; bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung.

Theo đó, điều quan trọng là ngành công nghiệp cần phải tập trung giữ vững nhịp độ tăng trưởng, nhận thức đúng tình hình, rà soát lại từng chỉ tiêu kế hoạch, chuyển khó khăn thành thuận lợi. Đồng thời nắm chắc tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để ổn định sản xuất kinh doanh...

Tin tưởng rằng, những bài học sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 15, sẽ là đòn bẩy quan trọng để công nghiệp Hải Phòng tiếp tục bứt phá trên lộ trình tiếp theo.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông