14:47 11/05/2019 Như tin đã đưa, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, xác định Hải Phòng phải trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Chế tạo ô tô tại Tổ hợp Vinfast (Cát Hải)
Qua giai đoạn quá độ
Với vị trí địa lý có tầm chiến lược, ngay từ khi được thành lập năm 1888, người Pháp đã định hướng Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả Đông Dương. Và ngay từ cuối thế kỷ 19, Nhà máy xi măng Hải Phòng đã được xây dựng, là biểu tượng công nghiệp một thời của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung. Cùng với đó, các ngành công nghiệp khác của Hải Phòng như cơ khí đóng tàu, cơ khí chế tạo và nhiều ngành nghề nữa cũng phát triển rất mạnh. Dấu ấn ấy trải qua hàng trăm năm, đến nay đã trở thành những địa danh quen thuộc gắn liền với thành phố như: Máy Tơ (dệt), Máy Chai (thủy tinh), Máy Đá...
Vào thời điểm lực lượng cách mạng vào tiếp quản Hải Phòng 64 năm trước, những nhà máy điển hình như cơ khí “Ca-rông”, “Com-ben”, “Sắc-rích”… chỉ còn lại đống đổ nát. Nhưng với những nỗ lực diệu kỳ, các cơ sở công nghiệp thành phố đã nhanh chóng được phục hồi. Nhà máy xi măng tiếp tục nhả khói với thương hiệu “rồng xanh” nổi tiếng. Điển hình trong giai đoạn đầu của công cuộc tái thiết, nhà máy cơ khí Duyên Hải đã được thành lập, trên nền tảng tổ hợp cơ khí “Rô-be” cũ đã mở đường cho sự nghiệp mới. Nằm trong sự vận động của kế hoạch 3 năm (1958-1960), các cơ sở sản xuất Hải Phòng đã đóng góp chủ đạo, giúp tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế miền Bắc tăng từ 16,9% lên 40%. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tiến hành cải tạo kinh tế, cơ khí Duyên Hải của Hải Phòng đã trở thành lá cờ đầu của phong trào thi đua trong ngành công nghiệp cả nước.
Thời kỳ kinh tế vận hành tập trung, mặc dù một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, nhưng Hải Phòng vẫn có bước phát triển tột bậc về công nghiệp. Nhiều thương hiệu sản phẩm của Hải Phòng không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, như nhựa Tiền Phong; sơn Hải Phòng; nước mắm Cát Hải; đồ hộp Hạ Long; tàu Bạch Đằng; thảm len Hàng Kênh; hóa chất Sông Cấm… Cho đến những năm đầu đổi mới, dù chính sách mở cửa còn chưa hoàn thiện, nhưng với tư duy sáng tạo dám nghĩ dám làm, Hải Phòng đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là trên lĩnh vực xi măng, luyện kim, cơ khí, may mặc và giày dép.
Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, truyền thống phát triển công nghiệp ở Hải Phòng tiếp tục được phát huy. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ, tăng trưởng kinh tế của thành phố dựa nhiều vào các ngành gia công có chi phí trung gian cao, giá trị gia tăng thấp.
Trong khi hầu hết nguyên vật liệu, thiết bị phải nhập khẩu, một phần không nhỏ là công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng tạo ra những cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thành phố nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
Rõ nét nhất là giai đoạn 2010-2015, ngành công nghiệp Hải Phòng có mức tăng trưởng chậm, nhiều nhóm ngành có tỷ trọng cao trong cơ cấu bị suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn, đình đốn sản xuất gia tăng. Chính vì vậy, dù tăng trưởng nhưng chỉ số phát triển công nghiệp rất hạn chế, năm 2011 đạt 9,72%, trong hai năm 2012 và 2013 chỉ đạt lần lượt là 4,24 và 4,27%.
Một góc khu công nghiệp Nomura Hải Phòng
Bứt phá hướng tới phát triển bền vững
Từ năm 2015 trở lại đây, trên cơ sở Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, Hải Phòng đã tăng cường tái cơ cấu ngành công nghiệp. Thành phố đã xác định rõ những khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nghị quyết đại hội 15 đã nêu rõ mục tiêu: Trong quá trình thu hút đầu tư, ưu tiên những ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, chú trọng thu hút các lĩnh vực công nghiệp mang lại nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Kiên quyết không chấp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn cách mạng về kinh tế, trong đó công nghiệp được xác định là một trong những mũi nhọn chủ lực. Điều này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo ngành, hạn chế nhịp độ những nhóm ngành có giá trị gia tăng thấp. Về phát triển các khu cụm công nghiệp, Hải Phòng cũng là điểm sáng của cả nước, sau khi rà soát tổng thể, tính đến nay thành phố có 13 khu công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch và cấp giấy chứng nhận đầu tư, cùng với 7 cụm công nghiệp có quyết định thành lập.
Đáng nói là, sau thời gian có dấu hiệu suy giảm về tốc độ tăng trưởng, trong hơn ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, công nghiệp Hải Phòng có sự trỗi dạy mạnh mẽ.
Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng đều theo từng năm, cụ thể năm 2017 tăng 21,6%; năm 2018 tăng 25,01%, quý 1-2019 tăng 24,1% (gấp 2,6 lần bình quân chung cả nước). Hàng loạt dự án lớn đến từ các nước phát triển đã lần lượt được khởi công xây dựng và đưa vào sản xuất hiệu quả, mà dẫn đầu phải kể đến các dự án công nghệ cao của tập đoàn LG và dự án vệ tinh tại KCN Tràng Duệ với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD.
Đặc biệt, việc Tập đoàn VinGroup chọn Hải Phòng là nơi đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghệ cao với các sản phẩm điện thoại thông minh, xe điện, ô tô… đã tạo tiếng vang lớn, đồng thời đưa Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu Việt Nam về thu hút nguồn lực đa dạng hóa. Mới đây nhất, Tập đoàn LaviFood quyết định đầu tư Nhà máy chế biến rau củ quả tại Tiên Lãng, với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 1.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào dịp kỷ niệm 64 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2019), xứng đáng là nét chấm điển hình, góp phần hoàn thiện bức tranh công nghiệp thành phố.
Phải khẳng định rằng, những kết quả đạt được của ngành công nghiệp trong giai đoạn quá độ đã góp phần to lớn trong phát triển kinh tế xã hội thành phố. Tuy nhiên trước diễn biến thay đổi mang tính xu thế toàn cầu, ngành công nghiệp cũng cần tiếp tục cách mạng, thay đổi toàn diện mô hình tăng trưởng cũ.
Bên cạnh đó, hậu quả của quá trình tái cơ cấu cũng sẽ phát sinh những lực cản mới, trong khi ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến bất ổn trên thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, mà bài học từ ngành đóng tàu là một ví dụ. Vấn đề đặt ra là ngành công nghiệp cần nhận thức đúng tình hình, rà soát lại từng chỉ tiêu kế hoạch, chuyển khó khăn thành thuận lợi để giữ vững nhịp độ tăng trưởng.
Trở lại với định hướng được xác định tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, có thể nói vị thế công nghiệp của Hải Phòng đã được khẳng định rất rõ, với tầm nhìn chiến lược và xu hướng phù hợp với quá trình vận động phát triển. Đây là cơ sở quan trọng, để ngành công nghiệp rà soát lại nguồn lực, khẳng định vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước và khu vực.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết