Công nghiệp Hải Phòng tự tin cán đích

10:37 04/12/2021

Kết quả 11 tháng kể từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ phát triển cao, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành công nghiệp-xây dựng. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, riêng các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,83%, đóng góp 18,49 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Sản xuất tại doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Nomura

Vượt lên giữa vòng xoáy dịch bệnh

Năm 2021, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là sự bùng phát đại dịch Covid-19, tác động hết sức tiêu cực đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.

Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Phòng đã đạt được những kết quả toàn diện, xuất hiện nhiều yếu tố mới tạo tiền đề phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo, mà sản xuất công nghiệp là ví dụ điển hình.

Có thể nói, mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đạt 18,5% so với cùng kỳ năm 2020 là một con số hết sức ấn tượng, giữa tác động hết sức khó khăn của đại dịch Covid-19.

Mặt khác, dù chỉ số IIP của thành phố tăng liên tục trong những năm gần đây, nhưng trong kế hoạch năm 2021, với những dự báo thận trọng, thành phố chỉ xây dựng chỉ tiêu tăng IIP đến 17%. Như vậy, cho đến thời điểm này có thể khẳng định, công nghiệp là một trong những ngành đầu tiên “về đích” trong kế hoạch cả năm 2021 (tính theo kỳ báo cáo).

Điều hết sức đáng chú ý, như đã nói ở trên, riêng các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,83%, đóng góp 18,49 điểm phần trăm vào mức tăng chung của kinh tế thành phố.

Với đóng góp chủ lực của một số lĩnh vực như sản xuất: Cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 205,46%; cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 210,78%; giấy và bìa nhăn tăng 115,27%; xe ô tô con tăng 81,95%; màn hình điện thoại tăng 80,91%; nến, nến cây tăng 58,72%; quần áo các loại tăng 54,6%... Cho thấy nhiều doanh nghiệp đã vượt qua tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19, không chỉ phục hồi sản xuất mà còn tăng trưởng mạnh mẽ.

Đơn cử, phân ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, điện tử dân dụng 11 tháng qua có sự đóng góp lớn của ba doanh nghiệp thuộc tập đoàn LG và các doanh nghiệp vệ tinh, dù trước đó các doanh nghiệp này có nhiều biến động do tái cấu trúc.

Cùng với đó, sau một thời gian gặp khó khăn về thị trường, các phân ngành sản xuất khác đã trở lại ngoạn mục và tiếp tục duy trì tốc độ tăng. Đáng chú ý là, tỷ trọng đóng góp chủ yếu đối với sản xuất công nghiệp thành phố tiếp tục thuộc về các doanh nghiệp FDI, chiếm tới 87% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Kết quả này cũng góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư của thành phố tăng cao trong thời gian qua, với tổng thu hút cấp mới và tăng vốn trên địa bàn đạt 2.875,5 triệu USD.

Nhiều phân ngành sản xuất mũi nhọn tiếp tục khẳng định sự ổn định, làm sáng bản đồ công nghiệp thành phố. Đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động ở các khu cụm công nghiệp chủ lực của thành phố như Tràng Duệ, Nomura, VSIP, Đình Vũ – Cát Hải, Đồ Sơn, An Dương, Tân Liên…

Nhiều doanh nghiệp Hải Phòng vượt khó để duy trì hoạt động giữa ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19

Về đích ấn tượng

Như đã nói ở trên, tính theo kỳ báo cáo thì xem như công nghiệp thành phố đã cán đích, kể cả tính theo thời gian đến hết năm, nghĩa là chỉ còn tháng 12, thì chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tự tin, bởi tăng trưởng bình quân đến hết tháng 11 đã vượt 1,5% so với đích 17% kế hoạch đề ra.

Mặc dù vậy, đánh giá chung cho thấy, đạt kết quả ấn tượng nhưng công nghiệp thành phố vẫn còn không ít thách thức hiện hữu.

Bởi lẽ một số phân ngành tăng trưởng đóng góp lớn vào chỉ tiêu IIP kể trên nằm chủ yếu ở một bộ phận doanh nghiệp, tạo ra sự mất cân bằng không nhỏ trong hành chục nghìn doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nghĩa là còn không ít doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục khó khăn, chưa thực sự ổn định sản xuất và phát triển. Không nói đến nguyên nhân chủ quan đến từ chiến lược sản xuất kinh doanh, trên thực tế mỗi ngành sản xuất giảm đều liên quan đến tác động của những nguyên nhân khách quan.

Bên cạnh đó, quá trình áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở trong nước cũng như thế giới đã tạo không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, sự tăng giá của nguồn nguyên vật liệu đầu và và các nhiên liệu chi phối như xăng dầu, than, gas… đã làm tăng chi phí giá thành sản phẩm.

Những nguyên nhân này đã khiến chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 25,81% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: sản xuất xe có động cơ; sản xuất bi, bánh răng, hộp số; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng; sản xuất săm lốp cao su… đều có chỉ số tồn kho trên 100% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp, khi mà việc điều chỉnh cơ bản nằm ngoài năng lực nội ngành. Tuy nhiên, theo phân tích chuyên môn, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, việc áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ hướng tới trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh, sẽ tạo điều kiện tốt cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo thông lệ thì dịp cuối năm khi thời tiết được cải thiện, thị trường hàng tiêu dùng sôi động, thì những phân ngành sản xuất liên quan sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng.

Phải khẳng định rằng, những kết quả đạt được của ngành công nghiệp trong đã góp phần to lớn trong phát triển kinh tế xã hội thành phố năm 2021. Tuy nhiên trước diễn biến thay đổi mang tính xu thế toàn cầu, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành công nghiệp cũng cần tiếp tục cách mạng, thay đổi toàn diện mô hình tăng trưởng cũ. Bên cạnh đó, hậu quả của quá trình tái cơ cấu cũng sẽ phát sinh những lực cản mới, trong khi ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến bất ổn trên thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường.

Vấn đề đặt ra là ngành công nghiệp cần nhận thức đúng tình hình, rà soát lại từng chỉ tiêu kế hoạch, chuyển khó khăn thành thuận lợi để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, hướng tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2022 tới.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông