10:05 25/03/2022 Cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố với mong muốn lựa chọn được một biểu tượng tiêu biểu, thể hiện nét riêng của Hải Phòng nhằm phục vụ các hoạt động thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển của Hải Phòng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, các sự kiện văn hóa, xã hội của thành phố. Tại Lễ phát động Cuộc thi, thành phố đã treo thưởng 500 triệu đồng với kỳ vọng về một biểu tượng xứng tầm.
Được thành lập vào những năm 80 của thế kỷ thứ 19, Hải Phòng là một thành phố trẻ, ra đời trên nền tảng của một vùng đất có bề dầy lịch sử và văn hóa lâu đời của nước ta. Hải Phòng ngày nay là thành phố trực thuộc Trung ương- là đô thị loại 1 cấp quốc gia, là thành phố cảng quan trọng, đầu mối giao thông quốc tế, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc Việt Nam; đồng thời là trung tâm kinh tế, công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ và văn hóa; vùng động lực phát triển quan trọng của đất nước.
Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, lịch sử thành phố là lịch sử của lớp lớp thế hệ người Hải Phòng từ khắp mọi miền đất nước nối tiếp nhau đến đây để cùng nhau dựng xây và phát triển vùng đất "đầu sóng”, “đầy nắng” “đầy gió”, “Phên dậu” phía Đông Tổ quốc này. Cần cù sáng tạo trong lao động; cởi mở, phóng khoáng, trọng nghĩa trong giao tiếp; yêu quê hương, đất nước nồng nàn, trung dũng, kiên cường trước thiên nhiên, trước giặc giã; dân chủ trước những bất bằng xã hội, là đặc tính, bản sắc văn hóa của người Hải Phòng.
Cần cù trong lao động, người Hải Phòng đã tỏ rõ năng lực sáng tạo, trong dựng xây đời sống vật chất và đời sống tinh thần thấm đẫm bản sắc văn hóa biển qua kỹ thuật tinh xảo chế tác đồ đá ở Cái Bèo (Cát Bà), Tràng Kênh (Thủy Nguyên), đúc đồng Việt Khê (Thủy Nguyên), tạc tượng (Đồng Minh, Vĩnh Bảo)…đến những sinh hoạt lễ hội văn hóa truyền thống như hát đúm, chọi trâu, đánh đu, đánh vật, đua thuyền, múa rối nước…Đây cũng là vùng đất có gần 100 vị đỗ đại khoa qua các khoa thi thời phong kiến và với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và các học trò xuất sắc của ông, đủ thấy tài hoa của người Hải Phòng góp phần vào tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam…
Chính trên nền tảng bề dầy lịch sử văn hóa, truyền thống Bạch Đằng yêu nước vẻ vang ấy và với tư cách là một thành phố Cảng lớn thứ ba ở Đông Dương, một trong những cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam mà Hải Phòng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) lựa chọn là một trong những đầu cầu để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước từ giữa những năm 20 của thế kỷ thứ 20. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1930-1945, Hải Phòng luôn là một trong những trung tâm phong trào cách mạng của cả nước, góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong lịch sử dân tộc ta.
Những năm 1946-1955, Hải Phòng là địa phương "đi trước", "về sau" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Bắc với truyền thống "đường 5 anh dũng", "đường 10 quật khởi", với các chiến công vang dội "Sở Dầu', "Cát Bi" rực lửa…hết sức vẻ vang. Trong những năm 1955-1975, Hải Phòng là địa phương luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cùng cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; vinh dự được 9 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng các chữ vàng "Trung dũng", "Quyết thắng". Từ năm 1976 đến nay, Hải Phòng đã luôn nêu cao tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo trong góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng; nhận thức ngày càng sâu sắc yêu cầu phải là địa phương đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…Ngoài tên gọi “Thành phố Cảng, hay “Đất Cảng”, Hải Phòng còn được biết đến với cái tên đầy thi vị là “Thành phố Hoa phượng Đỏ”.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Trần Thị Hoàng Mai, thành phố tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác các tác phẩm dự thi phải thể hiện được những đặc trưng, tiêu biểu của vùng đất và con người Hải Phòng. Thông qua biểu tượng các tầng lớp nhân dân và du khách sẽ có được sự nhìn nhận khái quát về truyền thống lịch sử, công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố Hải Phòng. Đồng thời, biểu tượng phải mang tính khái quát cao, thể hiện tính mỹ thuật, sáng tạo độc đáo, đơn giản về hình tượng, bố cục, đường nét, màu sắc; dễ hiểu, dễ nhận biết; ấn tượng với công chúng; đảm bảo độ phân giải cao, sắc nét khi hiển thị trên thiết bị điện tử; thuận tiện trong in ấn, chạm khắc, đắp nổi, phóng to, thu nhỏ trên vật phẩm các chất liệu khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố cho biết, thành phố chúng ta tự hào vì những nét riêng có trong suốt chiều dài phát triển. Việc lựa chọn được một biểu tượng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của thành phố trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và hội nhập, đồng thời khơi dậy lòng tự hào, nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của các tầng lớp nhân dân luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo và nhân dân thành phố nhiều năm qua.
5 lần tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng đã qua, với những nỗ lực hết sức của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố để tìm ra được biểu tượng của thành phố, nhưng vẫn chưa thành công. Nói như vậy để thấy rằng, nhiệm vụ được giao cho Cuộc thi năm nay đầy tự hào nhưng cũng không ít thách thức khó khăn. Hi vọng rằng, với kinh nghiệm rút ra từ những lần tổ chức các cuộc thi đã qua, cuộc thi năm 2022 sẽ thành công, biểu tượng thành phố sẽ thể hiện được bản sắc và tính hiện đại, xứng tầm để mỗi khi hướng về biểu tượng ấy là chúng ta hướng về niềm tự hào của người Hải Phòng trong mắt đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
VŨ DUYÊN
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh