Đặc sắc lễ hội truyền thống Đền Chợ Giá (Thủy Nguyên)

20:27 28/11/2019

Tọa lạc bên dòng sông Giá thơ mộng, Đền Chợ Giá (tức Huệ đức trinh linh từ) nằm trong quần thể cụm di tích Chợ Giá- Mỹ Giang, thuộc xã Kênh Giang được mệnh danh là ngôi đền thiêng và đẹp có một không hai ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đền thờ thánh nữ Phổ Thị Huyền, người có công “âm phù” giúp vua Lý đánh giặc bảo vệ vùng lãnh thổ xứ Đông của Tổ quốc...

Đền Chợ Giá tọa lạc bên dòng sông Giá thơ mộng

Theo thần tích, thánh nữ là người con gái nhiều lần hiển linh giúp dân cứu nước diệt trừ tai họa. Thần phả của làng lược ghi: vào năm Nhâm Ngọ Phù Long thứ 2 (năm 1102), đời vua Lý Nhân Tông, hơn 30 vạn giặc Tống xâm lược nước ta. Trước thế giặc mạnh, nhà vua thân chinh cầm quân đánh giặc, đến trang Mỹ Giang, thuộc huyện Thủy Đường (tức làng Mỹ Giang, xã Kênh Giang) thì tạm nghỉ ở chùa cạnh chợ Giang Tân (tức chợ Giá ngày nay).

Nửa đêm, nhà vua nằm mơ thấy một người con gái trẻ kiều diễm tâu rằng có 2 người em trai văn võ toàn tài, có thể giúp vua dẹp tan giặc dữ và xin được âm phù trợ lực. Tỉnh dậy, nhà vua cho triệu tập các bô lão và dân chúng quanh vùng An Lâm thị hỏi về gia đình họ Phổ và tìm gặp anh em Phổ Hóa, Phổ Hộ. Đây là 2 anh em sinh đôi, có 1 chị gái là Phổ Thị Huyền đã mất từ năm 16 tuổi. Hỏi về kế sách đánh giặc, cả 2 trả lời rất lưu loát và nguyện xin được tòng quân giúp nước.

Sau khi tiếp xúc, ngài vui mừng giao cho 2 ông cầm quân bộ tả hữu tiên phong cùng cánh quân thủy của tướng Đoàn Thượng tiến quân đánh giặc. Giáp binh một trận, quân ta đại thắng, tướng giặc Nguyễn Ngao bị bắt sống.

Giấc mộng đã linh ứng, vua ban trăm quan tiền để xây đền thờ bà Phổ Thị Huyền và truyền cho người dân trong vùng đời đời hương hỏa. Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3, vua truy phong là Bản Cảnh Thành Hoàng- Huệ Đức Trinh Linh, Phổ Thị Huyền càn quý Lương Phạm đình quân công chúa.

3 năm sau (năm 1105), 2 ông Phổ Hóa và Phổ Hộ được phong là Nguyên soái đại tướng quân và xây đền thờ (nay là Đền Mỹ Giang, xã Kênh Giang). Từ đó đến nay, đền Chợ Giá cùng đền Mỹ Giang không chỉ là nơi thờ vị thành hoàng là nhân thần mà còn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo lý của dân tộc Việt.

Với những giá trị lịch sử- văn hóa quý giá, năm 2007, đền Chợ Giá đã được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Trải qua gần 1.000 năm mưa nắng xói mòn, chiến tranh giặc dã đã làm cho ngôi đền chỉ còn phế tích. Từ năm 2001, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kênh Giang cùng tín khách thập phương đã tổ chức tôn tạo, xây dựng lại ngôi đền có quy mô tương xứng với giá trị tâm linh, giá trị lịch sử- văn hóa. Đặc biệt, sau lần trùng tu thứ 3 từ năm 2015 đến nay, những nét kiến trúc cũ đã được phục dựng.

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh, hàng năm lễ hội truyền thống của Đền Chợ Giá được tổ chức vào dịp cuối tháng 11. Ông Lê Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã Kênh Giang cho biết, lễ hội truyền thống kỷ niệm lần thứ 917 (1102-2019) Đền Chợ Giá năm nay được tổ chức trong 2 ngày 29 và 30-11 (tức ngày 4 và 5-11 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: văn nghệ chào mừng, tế lễ, dâng hương, du thuyền hát quan họ, thả hoa đăng trên sông... Được biết, từ ngày 28-11, lễ hội đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân và tín khách thập phương.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông