13:00 02/06/2023 Sáng 2-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Sửa đổi Luật là cần thiết, phù hợp với thực tế
Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, tính chất đặc thù của lực lượng công an nhân dân thì cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật Công an nhân dân cho phù hợp. Ngoài ra, về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập. Quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân còn một số vướng mắc.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết.
Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho thấy đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân và nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp toàn thể hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau.
Điểm lại những nội dung lớn của dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận tổ trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết về sự cần thiết ban hành luật, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ sở chính trị, sự cấp thiết ban hành luật và lý do đề nghị Quốc hội thông qua luật này tại một kỳ họp. Về hồ sơ dự án luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, đánh giá tác động của các chính sách và đề nghị lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất.
Về quy định xét thăng bậc hàm trước thời hạn khi lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Đa số ý kiến nhất trí về việc bổ sung quy định này. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về thực tiễn áp dụng, có ý kiến đề nghị rà soát các lĩnh vực lập thành tích đặc biệt xuất sắc cho đầy đủ và phù hợp, bổ sung lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy, khám chữa bệnh…trong lực lượng công an nhân dân.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện được thăng bậc quân hàm cấp tướng trước thời hạn ngay trong luật cho chặt chẽ. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí, tiêu chuẩn chung để thăng bậc quân hàm trước niên hạn.
Đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về vị trí sĩ quan công an có cấp bậc quân hàm là cấp tướng; quy định bổ sung vị trí có cấp bậc quân hàm là Đại tá. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định vị trí có cấp bậc cao nhất là trung tướng, thiếu tướng do chưa được cụ thể trong luật này, quy định cấp bậc hàm tướng đối với các đơn vị thành lập mới và làm rõ quy trình thực hiện.
Về quy định vị trí có bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ một số vị trí có cấp bậc hàm là thiếu tướng. Có ý kiến đề nghị bổ sung một Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là thiếu tướng, giảm cấp tướng đối với Phó Cục trưởng và tương đương, tăng số lượng cấp tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố loại 1 và miền núi biên giới, hải đảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về quy định hạn tuổi phục vụ công an nhân dân và hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân, đa số nhất trí với quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân theo hướng điều chỉnh chung là tăng 2 tuổi. Trong đó nữ thượng tá tăng thêm 3 tuổi và nữ đại tá tăng thêm 5 tuổi. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ thêm về đánh giá tác động đối với tăng độ tuổi này. Đề nghị cân nhắc nội dung trường hợp đặc biệt được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền cho rõ ràng. Có ý kiến đề nghị quy định thống nhất với Bộ luật Lao động.
Bổ sung hạn tuổi phục vụ là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế
Nhiều đại biểu tán thành với việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 9 khoản, thuộc 5/46 điều của Luật Công an nhân dân năm 2018, tập trung vào các chính sách, như: hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân…
Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai), việc sửa đổi, bổ sung về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng này.
Thực tế cũng cho thấy, các trường hợp đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ rất ít, được thực hiện bởi các quy định, thủ tục xét duyệt rất chặt chẽ, qua nhiều cấp bậc. Trong khi đó, việc kéo dài đối với một số đồng chí đã phát huy được năng lực, trình độ, kinh nghiệm và sự cống hiến trí tuệ ở tầm chuyên gia đầu ngành, từ đó, giúp lực lượng công an tận dụng được nguồn lực chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.
Việc nâng cao hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, ở góc độ khác, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, cũng sẽ giúp cân đối, giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn khi dự thảo Luật quy định việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho nhiều nhóm đối tượng với những cách thức, lộ trình thực hiện không giống nhau.
Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ theo hướng: với công nhân công an thì nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi, tức là nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Đối với hạ sĩ quan là 47 tuổi, tăng 2 tuổi; cấp úy là 55, tăng 2 tuổi. Đối với thiếu tá, trung tá thì nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi - tức là tăng 2 tuổi đối với cả nam và nữ. Với cấp bậc thượng tá thì nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi, tức là, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 3 tuổi. Với cấp bậc đại tá thì nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi - tức là, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Đối với cấp tướng: nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi - tức là, nam tăng 2 tuổi nhưng nữ thì giữ nguyên.
Cũng theo dự thảo Luật, lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam công nhân công an, đại tá và cấp tướng; và 4 tháng đối với nữ công nhân công an, thượng tá, đại tá. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Theo đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên), cần làm rõ vì sao lại có sự khác nhau trong lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa các cấp bậc, cũng như giữa nam và nữ. Quy định như dự thảo Luật có bảo đảm tính công bằng và bình đẳng đối với đối tượng là nữ không? Đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ ngày 1-1- 2021 theo quy định của Bộ luật Lao động. Còn đối tượng cụ thể và lộ trình tăng tuổi cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để thiết kế, sắp xếp, bố trí tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất với những nhóm đối tượng, lộ trình, thời điểm thực hiện khoa học hơn, hợp lý hơn. Các quy định cần bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.
Quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thăng hàm cấp Tướng
Một trong những chính sách được nhiều ý kiến thảo luận là thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Đồng tình với ý kiến của một số đại biểu, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, việc bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp hàm Thiếu tướng là phù hợp, cần thiết. Ngoài ra, việc bổ sung quy định, Trung đoàn trưởng CSCĐ là Đại tá hoàn toàn hợp lý vì đây là đơn vị thuộc bộ, tương đương trưởng phòng đơn vị thuộc Bộ.
Về việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt, theo đại biểu Tô Văn Tám, việc kéo dài thời hạn phục vụ đối với những người giỏi chuyên môn nghiệp vụ góp phần rất lớn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của CAND song họ phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng, một sỹ quan khi đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu và lập được chiến công, thì sự uy tín, ngưỡng mộ, trân trọng với sĩ quan CAND đó được ghi nhận một cách tự nhiên. Khi đó, nếu đủ điều kiện phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó được ghi nhận một cách xứng đáng, đồng thời thêm điều kiện để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình.
Do vậy, theo đại biểu, chính sách thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan CAND khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự cần thiết và có ý nghĩa, và trong điều kiện hiện tại, chính sách này thực sự có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí ngay trong luật để thăng hàm cấp tướng trước thời hạn mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đồng tình với quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn đủ ít nhất 3 năm công tác, trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị nói rõ trường hợp không đủ 3 năm công tác là bao nhiêu năm. Theo đại biểu, phải có thời gian tối thiểu. Không lẽ vừa phong hàm Thiếu tướng thì nghỉ hưu.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng đề nghị quy định cụ thể, đầy đủ từng tiêu chí, điều kiện ngay trong dự thảo; đồng thời cũng cần quy định điều kiện cần và đủ tiêu chuẩn cụ thể, như thế nào gọi là xuất sắc để tránh lạm dụng.
Dự thảo bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, gồm: Sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 5 vị trí có cấp Thiếu tướng là: Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; 1 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó Cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Cho rằng việc bổ sung thêm 6 vị trí cấp tướng phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu mới của Bộ Công an, nhưng đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị ban soạn thảo giải trình việc bổ sung các vị trí trên có nằm trong tổng số hàm cấp tướng mà cấp có thẩm quyền cho phép hay không.
Đại biểu Phạm Văn Hòa không đồng tình Phó Cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng và đề xuất dành 2 vị trí cấp Tướng này cho giám đốc Công an các địa phương.
Tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đóng góp dự án Luật sửa đổi bổ sung một điều của Luật CAND.
Về các ý kiến của đại biểu đối với các nội dung: quy định sĩ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; quy định các vị trí cấp Tướng đối với Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố…; đề nghị cân nhắc một số quy định về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an như quy định nữ Thượng tá tăng 3 tuổi, nữ Đại tá tăng 5 tuổi; đề nghị bổ sung quy định về cấp bậc hàm đối với Phó Chủ tịch Quốc hội; đề nghị chế độ chính sách về đào tạo nghề đối với chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ CAND; chế độ chính sách đối với cán bộ Công an cấp cơ sở…
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, báo cáo Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật./.
Hồng Thanh
21:44 24/12/2024
21:20 24/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế