Đại biểu Quốc hội góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ

21:00 27/06/2024

Chiều 27-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Luật PCCC và CNCH). Đây là dự án Luật thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và người dân. Do đó, đại biểu Quốc hội mong muốn Luật quy định chặt chẽ, đầy đủ để góp phần ngăn chặn các vụ cháy thương tâm, đau lòng như đã xảy ra thời gian qua.

                  Cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông)

         Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.

          Hạn chế việc giao Chính phủ, Bộ Công an quy định chi tiết

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)  

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)  đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chín thì quy định trực tiếp vào luật; hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để đảm bảo khách quan, rõ ràng. Đại biểu đưa dẫn chứng, tại Chương 7 có 9 điều thì có đến 8 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; 25 điều/63 điều giao Chính phủ và Bộ Công an quy định là tương đối nhiều.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng cho biết, còn nhiều nội dung Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, với 22/65 điều, chiếm gần 34%.

Để bảo đảm khi Luật có hiệu lực sẽ áp dụng được ngay, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị, cần rà soát toàn diện các quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, chỉ giao cho Chính phủ quy định chi tiết những nội dung nào mang tính chi tiết, cụ thể hoặc đặc thù, cá biệt; còn những nội dung quy định về nguyên tắc chung nên nghiên cứu để quy định ngay trong Luật.

          Trang bị đủ thiết bị để chữa cháy, cứu người

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) 

          Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu rõ, trong giải thích từ ngữ có quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn nhưng phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp để tổ chức thoát nạn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, thoát nạn là việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy nổ, sự cố gây nguy hiểm theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn. Như vậy, thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ. Do đó, luật nên chia ra 5 phần chính gồm: phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Luật sẽ bổ sung giải thích từ ngữ về thoát nạn và tên luật có thể được điều chỉnh thành Luật Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.

         Luật cũng cần có một chương riêng quy định về thoát nạn; chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn.

          Về trách nhiệm chữa cháy quy định tại Điều 24, đại biểu cho biết điểm c khoản 1 điều này quy định: cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường, đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi sẽ cháy để phục vụ chữa cháy.

Đại biểu cho rằng, ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc ba lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế. Đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả ba lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở; đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da. Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích cho nhiều nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Điều 24 quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi sẽ cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn...

          Về trang bị cho lực lượng PCCC và CNCH, đại biểu  Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc. Theo đại biểu, đây là dụng cụ đặc biệt hữu dụng khi cứu nạn đối với nhà dân có lắp các khung sắt “chuồng cọp”.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum)

          Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, tai nạn cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua. Nguyên tắc quy định trong luật này lấy phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ; khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác cứu nạn, cứu hộ phải nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Công an, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ PCCC và CNCH hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đảm ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn.

          Do đó, đại biểu  cho rằng, Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất những tồn tại nêu trên, cần bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước trong xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện. Cần quy định có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện PCCC, CNCH tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay để thực hiện.

          Theo đại biểu, thực tế nhiều địa phương có tình trạng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ không thực hiện đúng thẩm quyền xử lý sai phạm, thậm chí còn tiếp tay cho các vi phạm về trật tự xây dựng. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhiều vụ cháy nổ trong thời gian qua. Vì thế, cần bổ sung các hành vi bị cấm trong dự luật PCCC và CNCH.

                                   Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ)  nhấn mạnh cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, cụ thể là việc đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy không đạt tiêu chuẩn hoặc phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ không bảo đảm an toàn, ý thức của hộ kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

          Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết, quy định về phòng cháy, chữa cháy trong cung ứng điện, đảm bảo chất lượng đối với thiết bị điện được quy định tại Điểu 20 của dự thảo Luật. Đại biểu nhận thấy cần xem xét, cân nhắc đối với quy định đơn vị điện lực có trách nhiệm thực hiện, duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với hệ thống điện truyền tải.

Phiên thảo luận chiều 27-6 của Quốc hội

Đồng thời đề nghị kịp thời lắp đặt, sử dụng, đảm bảo an toàn đối với hệ thống thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi ký hợp đồng bán điện và trong quá trình sử dụng điện.

Liên quan đến trách nhiệm khuyến cáo của nhà sản xuất, cung cấp thiết bị điện, bảo đảm an toàn thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với khách hàng có hồ sơ thiết kế về hệ thống điện, đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn điện.

          Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho biết, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập  là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật.

          Vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu cũng đề nghị, nếu chính sách này được Quốc hội thông qua, cần kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhanh chóng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. 

          Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo động cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tự động hoặc từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo.

          Tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội

          Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Theo Bộ trưởng, các ý kiến đại biểu đều nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo môi trường an toàn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

          Thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án luật, với 396 ý kiến thảo luận tại tổ và 17 ý kiến thảo luận tại hội trường.

          Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các quy định như: rà soát thống nhất trong hệ thống pháp luật; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; quy hoạch vềPCCC và CNCH; xây dựng áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy; hoạt động của phòng cháy, chữa cháy; hoạt động cứu nạn, cứu hộ; trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn thoát nạn phòng cháy, chữa cháy; công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và một số nội dung khác...

          Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang mong muốn trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan tổ chức và nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự án luật; cơ quan chủ trì sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới./.

                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông