16:10 31/05/2023 Ngày 31-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế Xã hội (KTXH) và Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội góp nhiều ý kiến về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất kinh doanh…
Nhanh chóng vực dậy đà tăng trưởng
Cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, khó khăn song nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, kinh tế tiếp tục tăng tưởng nhanh, đạt 8,02% là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), cần phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình những tháng đầu năm 2023, đó là tăng trưởng kinh tế quý 1 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 5,6%. Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm, số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp…
Trước những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo, quản lý của Chính phủ, các bộ ngành trong thời gian qua, để thực hiện tốt hơn nữa các kết quả công tác trong thời gian tới, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Đình Thanh lưu ý, cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng, điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách KTXH, cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Chỉ rõ những kết quả tình hình KTXH, cùng với những tác động trong và ngoài nước, đại biểu Đặng Xuân Phương cho biết, qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.
Đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần kiên trì quan điểm đã được Đảng ta đề ra trong Văn kiện Đại hội 13. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Đại biểu Đặng Xuân Phương kiến nghị trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn.
Cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cấp doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương theo lộ trình và mục tiêu có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tự pháp đẩy mạnh việc đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm. Đồng thời quan tâm hơn đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết hợp đầu tư mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu của các khu vực có quy mô liên xã.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng để ổn định kinh tế vĩ mô, cần khởi động lại các động lực phát triển qua những dự án đầu tư, tuy nhiên thời gian lập, thẩm định các dự án còn dài khiến, phê duyệt dự án còn chậm khiến khiến nguồn lực đưa vào nền kinh tế bị chậm.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để khuyến kích, kích cầu nền kinh tế, kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời cần linh hoạt trong sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước để hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động, hỗ trợ lao động bị mất việc làm… để ổn định, kích cầu nền kinh tế. Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên… cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế.
Đề nghị tiếp tục hạ lãi suất
Nhấn mạnh biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội chỉ rõ, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như: Giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Trước tình trạng các DN gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Đại biểu cũng đề xuất NHNN chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.
Đề xuất giải pháp cho DN tiếp cận nguồn vốn vay, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, dù đã có nhiều đợt giảm giảm lãi suất điều hành từ đầu năm, song NHNN phải quy định trần room tín dụng. Giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bất ngờ bị siết lại.
Đối với chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa 15, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận. Quốc hội tiếp tục xem xét mức giảm thuế VAT xuống từ 3% - 4% và kéo dài đến hết năm 2024.
Cần thuốc đặc trị căn bệnh sợ trách nhiệm
Phân tích "một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm", đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, có hai nhóm: một là, nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là, nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Đối với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, hoàn toàn có thể khắc phục được ngay. Trong bất cứ thời điểm nào, bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được không và nhận diện được thì xử lý thế nào? Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất, giải pháp cấp thiết cần làm ngay là ưu tiên thay thế cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, ngoài Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân là vì các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện. Những bất cập này đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh thẳng thắn ngay trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 29.5 vừa qua…
Do đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật, đặc biệt là văn bản dưới luật, bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, cá nhân căn cứ vào đó có thể triển khai thực hiện được ngay.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.
Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng cho rằng, trong thời điểm đang sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng và cũng chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thì tình trạng sợ trách nhiệm còn diễn ra. Nếu không giải quyết dứt điểm "điểm nghẽn" trong vấn đề sợ trách nhiệm thì e rằng nếu có đầy đủ hệ thống quy định pháp luật cũng vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng. Tình trạng các địa phương gửi công văn xin hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ, ngành không phải hiếm gặp khi luật, các văn bản dưới luật còn chồng chéo. Tình trạng này càng trở lên phổ biến khi các địa phương xin hướng dẫn thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn khoản nọ, điều kia.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm kiến nghị, cấp thiết thành lập Tổ công tác liên ngành, tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương. Ban hành Bộ Quy tắc, quy chuẩn xử lý những vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi. Nếu địa phương nào gặp khó khăn có thể tra cứu, áp dụng ngay quy trình chuẩn thì việc triển khai sẽ thuận lợi hơn rất nhiều thay vì theo hình thức gửi công văn rồi chờ đợi công văn trả lời mà vẫn bối rối như hiện nay.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, phải có giải pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, có liều thuốc đặc trị đối với căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, né tránh, sợ sai, không để lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm có từ lâu, nhưng dường như gần đây nặng hơn, phức tạp hơn.
Nguyên nhân có một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Không dám làm thì né tránh, đùn đẩy. Theo ông, đây là hiện tượng “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” và cần phải rà soát tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý số cán bộ, bộ phận này.
Đề cập giải pháp, ngoài gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, ông Tô Văn Tám cho rằng cần cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật vì việc chậm ban hành văn bản chi tiết chưa được khắc phục. Cùng với đó sớm sớm ban hành cụ thể hóa thành cơ chế pháp luật từ Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Có chính sách thiết thực cho người lao động
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nêu ý kiến: đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động.
Theo đại biểu, mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất bởi lẽ khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn khó có khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe y tế lương thực thực phẩm.
Theo đại biểu, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực ảnh hưởng không chỉ bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực bỏ học hay tệ nạn xã hội.
“Tôi tự hỏi nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng trong tình huống đó. Nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, nếu họ không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa? Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế quốc gia”- theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung.
Vì thế, đại biểu đề nghị, ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và lợi ích quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu đề xuất, Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm ứng phó với những khó khăn rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho quỹ an sinh xã hội truyền thống như Quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế. Qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta.
Quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho biết, trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát cũng tăng theo và ngược lại. Hiện nay Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.
Năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành ba loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường. để có giải pháp phù hợp.
Theo đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), cả nước hiện có 7 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ mới đáp ứng được khoảng gần 30%. Công nhân lao động ngoại tỉnh chiếm 70% đang thuê trọ của các hộ gia đình tư nhân xây. Các phòng trọ này thì hầu hết đều rất chật hẹp chỉ từ 3-4 m2 trên một người không đảm bảo những điều kiện tối thiểu như ánh sáng vệ sinh diện tích và phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với gần 1.000 cử tri công nhân đại biểu thấy hơn 80% số công nhân chỉ có nhu cầu thuê trọ. Đó là các công nhân có tuổi đời từ 18 đến 25 và chưa lập gia đình. Lý do họ đưa ra là chưa có tiền, chưa có gia đình hoặc không biết có ở Bắc Ninh làm việc lâu dài hay không... Đối với số ít công nhân đã có gia đình cũng chọn thuê nhà trọ, bởi khắc phục được nhược điểm mà khi ở ký túc xá. Đó là giá thuê nhà rẻ hơn, thoải mái tự do về thời gian sinh hoạt, các nhu cầu dịch vụ thiết yếu như chỗ gửi con, phòng khám trạm y tế gần hơn…
Do đó, phải tách bạch nhu cầu mua nhà và nhu cầu của công nhân. Không phải ai làm khu công nghiệp cũng có nhu cầu định cư và mua nhà tại địa phương mà nơi họ đến làm việc. Từ đó có chính sách và huy động nguồn lực đầu tư đúng đắn./.
Hồng Thanh
21:44 24/12/2024
21:20 24/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế