21:50 11/02/2023 Dân gian có câu ca “tháng Giêng là tháng ăn chơi…”. Những tưởng trước kia chỉ được dùng để ám chỉ phương pháp canh nông, nhưng càng ngày câu ca này càng mở rộng, thấm sâu vào đời sống của người Việt. Vì vậy, sau những ngày dồn sức “thả cửa” cho dịp tết Nguyên đán Quý Mão, số đông trong cộng đồng lại đua nhau đi lễ, trảy hội, du xuân, khiến thị trường dịch vụ xe khách được phen náo nhiệt.
Khi “thượng đế” đổi ngôi
Với ý nghĩa đầu năm trẩy hội cầu may, mong muốn đạt được sự hanh thông tốt đẹp, cứ đến tháng Giêng người người lại đua nhau sắm lễ xuất hành. Về mặt văn hóa còn nhiều điều phải bàn, nhưng đối với thị trường thì điều này đã thật rõ nét, khi dòng hàng hóa và dịch vụ dường như đổ dồn cho dịp lễ hội.
Năm nay dấu hiệu ấy có phần nhộn nhịp hơn, sau mấy mùa vụ liên tiếp phân khúc dịch vụ này bị dịch bệnh Covid-19 “bó gối”.
Tính theo vị trí địa lý, từ Hải Phòng có quá nhiều điểm đến: xa có hội Chùa Hương-Chùa Thầy-Trăm gian (Hà Nội); Yên Tử-Ba Vàng-Lôi Âm-Cửa Ông-Thiền viện Trúc Lâm (Quảng Ninh); đền “Bà chúa kho”, hội Lim (Bắc Ninh), Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Keo (Thái Bình), Phủ Giày-Đền Trần (Nam Định), Tam Chúc (Hà Nam)…
Rồi đền Hùng (Phú Thọ); đền Mẫu (Lạng Sơn); đền cô Chín, ông hoàng Mười ở miền Trung… Hoặc ở gần như Yên Phụ (Hải Dương); đền Bà Đế (Đồ Sơn); Tràng Kênh (Thủy Nguyên)…
Dòng người cứ nượp nượp kéo đi, khai thác hết công suất các dạng hình dịch vụ hành khách trên địa bàn thành phố. Anh Nguyễn Dương Tuấn làm việc tại một doanh nghiệp vận tải ở quận Lê Chân nói vui: “Đây là thời gian cao điểm, nhà xe mới là “thượng đế” được quyền lựa chọn chứ không phải khách hàng, nên có ai nhờ thuê xe hộ, dù là cùng nghề vận tải với nhau cũng bó tay”.
Hơn nữa, vì vốn đầu tư cho phương tiện vận chuyển khách không hề nhỏ, nên khi cơn bão Covid-19 đi qua, không ít người làm nghề dịch vụ đã phải bán xe để thu hồi vốn.
Vì vậy, theo anh Tuấn nhận định, số lượng đơn vị dịch vụ xe hợp đồng có thực lực ở Hải Phòng hiện không nhiều như trước, ngoài số đầu xe phục vụ chuyên tuyến.
Số còn lại chạy thuê theo hợp đồng, thường liên kết dưới dạng hình hợp tác, nên khó có thể thống kê được toàn thành phố có bao nhiêu điểm dịch vụ cho thuê xe, bởi thực tế có nhiều điểm treo biển “cho thuê từ 5 đến 45 chỗ”, nhưng không có đầu xe dịch vụ mà chỉ để môi giới.
Cũng theo anh Tuấn, kể cả những gia đình có xe riêng vẫn chọn thuê xe, bởi tâm lý thích được tự do vui chơi, an toàn và được phục vụ, ngộ nhỡ vui mà uống rượu bia cũng “yên tâm”. Trong cơ cấu mỗi chuyến đi, tiền dịch vụ thuê xe chiếm nhiều nhất, đoàn đông thuê xe to chi phí tính trên đầu người sẽ giảm, chưa kể tiện lợi cho việc chở thêm nhiều lễ vật, vì vậy dòng xe cỡ trung và lớn gần như “cháy”.
Về giá, binh quân cước khoảng 8 nghìn đồng/km, chạy càng xa càng rẻ, hoặc thuê theo ngày thì mỗi xe từ 24 chỗ trở lên từ 2 đến 2,5 triệu đồng/ngày. Nhưng do khó thuê, hiện nhiều khách sẵn sàng trả gấp rưỡi người khác, miễn là có xe nhưng cũng chưa chắc có nhà xe nào dám nhận.
Khó khắc phục cảnh “no dồn đói góp”
Theo ông Bùi Văn Bảy, người cho thuê xe ô tô ở đường Trường Chinh (Kiến An) thì nhiều người cứ nghĩ dịp lễ hội là mùa “chặt chém” của chủ xe, nhưng thực chất không phải như vậy. Đúng là dịp này, nếu không đặt trước thì khách hàng khó có thể thuê được xe vào các ngày cuối tuần, xe càng nhiều chỗ càng khó thuê, nên đôi khi phải trả bằng mọi giá cũng là chuyện bình thường.
Ông Bảy nói: “Vấn đề chính ở chỗ, sắm một chiếc xe to hết tiền tỷ, mà lễ hội chỉ tập trung vào đầu năm, nếu không tìm được mối chạy thì có mà đắp chiếu cả năm rồi trả tiền bến bãi”.
Thực tế dạng xe thông dụng thường từ 24 chỗ trở xuống, ngoài lễ hội còn chạy các đám cưới hoặc việc khác, chứ xe từ 29 chỗ trở lên chỉ đắt khách nhất dịp này, còn lại các chủ xe phải mua lại hoặc chạy thuê giá bèo cho các tuyến xe khách lẻ, một số chạy hợp đồng chở công nhân cho các doanh nghiệp.
Vì nguyên nhân này, mùa lễ hội cũng chính là mùa tận thu của xe khách hợp đồng. Hơn nữa, thực trạng nhu cầu thuê xe đầu năm tăng cao dẫn đến không chỉ có phương tiện chuyên chạy hợp đồng tranh thủ “chớp chảo”, mà ngay một số đầu xe chuyên tuyến cũng bị cuốn vào dòng xoáy dịch vụ, bao gồm cả các hãng taxi.
Một tài xế taxi bật mí: “Nếu gọi điện đến điều hành, phải nói là thuê cả ngày hoặc từ 50km trở lên mới mong có xe, còn thuê đi ngoại thành một hai chục km thì còn xe cũng coi như hết…”.
Dịch vụ vận tải mùa lễ hội đã gây khó cho nhiều gia đình có chuyện đại sự đầu năm. Như trường hợp của ông Nguyễn Sỹ Tiến ở Đằng Giang (Ngô Quyền), vì lo đám cưới cho con không có xe, ngay sau tết ông Tiến đã hỏi mấy chỗ trong nội thành mà không nơi nào hứa chắc chắn.
Ông Tiến về quê Kiến Thụy may mắn ký được hợp đồng 2 triệu đồng/ngày cho xe cô dâu và 2,5 triệu đồng/ngày cho xe 24 chỗ đi kèm. Cầm hợp đồng đã ký trong tay nhưng ông Tiến vẫn còn lo: “Chỉ sợ chủ xe họ xoay, kể cả đòi được tiền bồi thường nhưng nhỡ việc thì chết…”.
Bà Nguyễn Thị Thuận-chủ một hộ kinh doanh trên đường Lán Bè tâm sự: “Ngay từ trước tết, kế hoạch đã được chuẩn bị, mấy gia đình bạn bè chúng tôi rủ nhau sẽ đi Chùa Hương, phải đặt cọc thuê xe sớm chứ sợ sau tết khó chủ động, biết là tốn kém nhưng vẫn phải cố…”.
Theo tính toán của bà Thuận, chi phí đóng góp mỗi suất cho chuyến đi hết gần 2 triệu đồng, chủ yếu cho 5 việc chính là thuê xe, sắm lễ sớ, nghỉ trọ, ăn uống và các loại phí. Trong đó riêng khoản chi thuê một chuyến xe cho 2 ngày hết 4 triệu đồng, tiền ăn mỗi người 400 nghìn đồng/ngày…
Không thuộc diện “có điều kiện” như bà Thuận, nhưng bà Dung làm công nhân ở công ty da giày cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng đi lễ đầu năm, có năm đi cả gia đình, năm nay vì khó khăn nên nhà đông cũng chỉ đi có hai vợ chồng…”. Điểm đến của nhóm bà Dung là chùa Tam Chúc, dù phải đóng góp mỗi suất hơn 1 triệu đồng nhưng bà Dung cảm thấy rất vui, vì không những được đi lễ, đây cũng là dịp cho các gia đình trong cùng tổ sản xuất gặp mặt đầu năm.
Bà Dung tâm sự: “Ngoài tiền xe, chúng tôi chung nhau sắm lễ, viết sớ, cúng xong phá lễ ăn thay bữa, tối về dồn lại còn bao nhiêu liên hoan hết luôn. Năm nay ít việc nên lương lậu kém, chứ kể ra đi càng đông càng vui…”.
Ý nghĩa là vậy, dù người giàu kẻ nghèo thì đi lễ đầu năm đã trở thành một nét văn hóa thuần Việt. Nói như bà Thuận, thì gia đình bà 4 người tính sơ sơ đã mất hơn chục triệu đồng, nhưng bà có vẻ mãn nguyện: “Được cái tư tưởng thoải mái, cầu các vị ban phúc cho năm nay phát lộc phát tài”.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ thị trường, thì xét cho cùng đi lễ hội còn là một dạng ăn chơi, hệ lụy của nó là giá trị sản xuất của xã hội sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ khiến giá hàng hóa tăng cao, tiềm ẩn nảy sinh những yếu tố tiêu cực khác.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết