Dấn thân với nghiệp ca trù

10:31 28/02/2023

Sau những bộn bề với công việc, với cuộc sống đời thường, chị lại dành phần lớn thời gian còn lại của mình để đắm chìm trong không gian réo rắt, nỉ non, lại say cùng những nhịp xưa, phách cũ của ca trù. Cứ thế, bao năm qua, người con gái đất Cảng ấy vẫn âm thầm tình nguyện giữ lửa cho một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đang dần bị mai một. Sự đam mê, nỗ lực đó đã góp phần khẳng định “vị thế” của ca trù Hải Phòng hôm nay. Đó là đào nương Phạm Thị Liên.
Đào nương Phạm Thị Liên
Đào nương Phạm Thị Liên trong canh hát tại một sự kiện văn hoá

Người con của làng Đông Môn

Nằm ở thị trấn Núi Đèo, huyện Thuỷ Nguyên, “Đồng Cau quán” là một địa chỉ không còn xa lạ với những người yêu ca trù Đông Môn, yêu không gian xưa cũ của thành phố Hải Phòng. Nơi đây, vào mỗi tối thứ 6 hàng tuần, Phạm Thị Liên cùng kép đàn của mình lại thả hồn trong từng nhịp phách luyến láy, nhặt khoan. Những câu hát được đào nương ém hơi, nhả chữ một cách điêu luyện khiến cho bao quan viên ngẩn ngơ, mê mẩn. Ca trù Đông Môn đang được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của công chúng Hải Phòng. Niềm vui đó không chỉ có công sức của những người làm công tác quản lý văn hoá của địa phương mà còn là sự tâm huyết, dấn thân hết mình của những con người trực tiếp bảo tồn, phát triển một loại hình nghệ thuật dân tộc của cha ông từ ngàn xưa để lại như đào nương Phạm Thị Liên.

Phạm Thị Liên sinh năm 1985 tại làng Đông Môn. xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, trong một gia đình thuần nông. Làng Đông Môn được biết đến như cái nôi của ca trù vùng duyên hải Bắc Bộ. Sử sách ghi lại rằng, ca trù xuất hiện ở Đông Môn từ cách đây hơn 200 năm trước. Nơi đây không chỉ có phủ từ thờ tổ nghề ca trù mà còn từng là một giáo phường ca trù lớn trong vùng với những kép đàn, đào nương nổi tiếng.

Người đưa ca trù về Đông Môn là cụ Tô Tiến, trùm phường của một giáo phường ca trù ở Kinh Môn (Hải Dương). Với mong muốn phát triển nghệ thuật ca trù ở Đông Môn nên cụ đã xin phép các giáo phường ca trù lớn đưa chân nhang của nhị vị thánh sư Ca Công (hai vị tổ nghề ca trù) là Đinh Dự đại vương và Mãn Đường Hoa công chúa về thờ tại phủ từ làng Đông Môn và đào tạo nên nhiều kép đàn, đào nương giỏi của vùng.

Theo các cụ cao niên trong làng, vào những năm 40 của thế kỷ trước, ca trù rất hưng thịnh tại Đông Môn với hàng chục giáo phường do các gia đình, dòng họ tự thành lập. Thời đó, người Đông Môn nhà nào cũng cho con cái đi học hát ca trù, kiếm sống bằng nghề hát ca trù. Mỗi gia đình là một quán hát, ông đàn cháu hát, cha đàn con hát, chồng đàn vợ hát…Đi đến đầu làng đã nghe tiếng đàn, tiếng phách lách cách. Những nghệ nhân của làng đã từng đi nhiều nơi để mở những ca quán lớn và đã tạo nên tên tuổi “Ca trù Đông Môn”.

Được sống trong cái nôi của nghệ thuật truyền thống nên tình yêu với ca trù cứ thế ngấm sâu vào từng mạch máu của Phạm Thị Liên. Chị đã sớm tiếp thu được những tinh hoa của loại hình nghệ thuật hát ca trù với đầy đủ những lối hát, điệu hát mang tính bác học này. Với năng khiếu bẩm sinh cùng chất giọng trong veo, ngọt ngào, truyền cảm của mình, Phạm Thị Liên may mắn được thế hệ các lão đào nương cuối cùng của giáo phường ca trù Đông Môn truyền nghề và trở thành ca nương khi mới ở tuổi 11.

Dấn thân với nghiệp ca trù

Để có được chỗ đứng trong lòng giới mộ điệu ca trù như hiện nay, đào nương Phạm Thị Liên đã trải qua một quá trình dài khổ luyện mà thành.

Đào nương chia sẻ, ca trù là loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc nhưng rất khó học, khó hát và kén người nghe. Nghệ thuật hát ca trù tự thân đã đòi hỏi ở người biểu diễn những tố chất đạt đến độ tinh xảo, điêu luyện về thanh âm, độ luyến láy, nhả chữ. Không chỉ là người hát ca trù mà ngay cả người nghe, thưởng thức cũng phải có “phông” văn hóa, hiểu biết âm nhạc và am hiểu về ngôn ngữ. Người hát đồng thời phải biết gõ phách, đi liền theo đó là người đánh trống chầu, người chơi đàn đáy.

Tất cả phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn, từ đó mới thấy được cái hay của loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc. Khác với nhiều loại hình nghệ thuật, ca trù truyền thống thích hợp biểu diễn trong không gian nhỏ, ít người. Còn nếu biểu diễn trong không gian rộng, ồn ào dễ làm “loãng” và mất đi cái hay của ca trù.

Sự giao hòa đồng điệu giữa người hát và người thưởng thức sẽ giúp cho mỗi cá nhân xua tan những u uẩn trong lòng, tìm lại được cảm giác thư thái, tĩnh tại giữa cuộc sống ồn ã. Nói nghệ thuật ca trù vừa mang đậm bản sắc dân gian vừa hàm chứa yếu tố hàn lâm bác học là như vậy.

Nhớ lại những ngày đầu theo học ca trù với các cụ ở đình làng, Phạm Thị Liên cảm thấy khó vô cùng bởi bộ môn này đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, phải bảo đảm độ nảy hạt theo đặc trưng của ca trù. Khi hát phải ngậm miệng, phải điều phối được hơi thở, đẩy mạnh từ trong ra, tiếng hát mới hay, mới rền, nảy được.

“Đào nương cần có kỹ thuật hơi thở, kỹ thuật lấy hơi, giữ hơi, ém hơi, ghìm hơi. Đồng thời phải sử dụng kỹ thuật “kiến đổ hạt” hay còn gọi là kỹ thuật hát “ngân con kiến”, kỹ thuật rung, kỹ thuật hát âm ngậm. Ngoài ra còn một số kỹ thuật khác như phát âm, nhả chữ, nhấn chữ, luyến chữ!”- Phạm Thị Liên cho biết.

Sau nửa năm kiên trì học tập, chị mới học trọn vẹn được một bài ca trù. Ngày ấy, chị say mê học đến nỗi bàn tay, mắt cá chân chai đi vì tì xuống chiếu nhiều mà không để ý.

Bằng khả năng nhạc cảm, thẩm âm cộng với niềm đam mê được tiếp lửa từ những “cây đại thụ” của làng, những khó khăn, vất vả đã dần qua đi, Phạm Thị Liên đã dần trưởng thành và đạt đến độ tinh nghề. Ngoài giờ học tập văn hoá ở trường, Phạm Thị Liên thường xuyên tham gia Câu lạc bộ Ca trù Đông Môn và cùng các thế hệ ông cha của mình, theo các nghệ nhân đi biểu diễn ca trù ở các hội làng, các hội diễn văn nghệ của trường, của địa phương.

Những bài thơ, bài phú gửi gắm tâm tư, tình cảm, chứa đầy khí phách khát khao độc lập, tự chủ của các danh sỹ bậc thầy như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương, Cao Bá Quát… đã được Phạm Thị Liên cùng đào nương, ca nương, kép đàn Đông Môn biểu diễn ngày càng thuần thục và chiếm được sự yêu mến, cảm tình của công chúng Hải Phòng.

Những năm từ 2004 - 2008, khi đang là sinh viên ngành Quản lý Văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, dù bận học nhưng Phạm Thị Liên vẫn dành thời gian tham gia Câu lạc bộ Ca trù UNESCO. Cũng chính từ đây, chị có nhiều cơ hội được tiếp xúc, học hỏi ở các đào nương, kép đàn, nghệ nhân có tiếng ở đất kinh kỳ. “Chất” ca trù cứ thế mà ngày càng được thẩm thấu sâu hơn trong con người của nàng đào nương đất Cảng.

Sự nỗ lực, đắm đuối với ca trù của Phạm Thị Liên cũng đã cho trái ngọt. Năm 2016, chị tham gia Liên hoan đàn, hát dân ca 3 miền được tổ chức tại Kiên Giang và giành Huy chương Vàng. Với tiết mục “Hát cung Bắc”, đào nương Phạm Thị Liên đã chinh phục được những vị giám khảo khó tính, những nghệ nhân dân gian cao niên trong làng ca trù để giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 tại Hà Tĩnh.

Để có được tấm Huy chương danh giá này, ngoài kiến thức, kỹ năng đã được rèn giũa, khổ luyện hơn mười năm qua, những tháng trước kỳ Liên hoan Ca trù toàn quốc, chị đã phải tầm sư học đạo, luyện tập nhiều hơn mọi khi. Nắng cũng như mưa, ngày nào Phạm Thị Liên cũng ròng rã đi hơn chục cây số sang thành phố để được NSƯT Đỗ Quyên - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Hải Phòng hướng dẫn, chỉ dạy. Giải thưởng đó đã tiếp thêm động lực, tình yêu, sự quyết tâm để đào nương Phạm Thị Liên dấn thân vào con đường chông gai, gắn bó với loại hình nghệ thuật này.

Trong thâm tâm, đào nương Phạm Thị Liên luôn trăn trở, đau đáu với việc làm sao để bảo tồn và phát huy có hiệu quả bộ môn nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại, cần bảo vệ khẩn cấp này. Điều đó đã thôi thúc chị không ngừng nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết của mình đối với nghệ thuật ca trù.

Mong muốn đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy ca trù Đông Môn, một bộ phận cấu thành của Ca trù Việt Nam, chị đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương với đề tài “Ca trù tại làng Đông Môn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” vào năm 2017.

Với công việc thường ngày là một công chức văn hóa của xã Hoà Bình, trực tiếp quản lý hoạt động văn hóa tại địa phương, đến nay, đào nương Phạm Thị Liên đã dành nhiều thời gian cùng Câu lạc bộ ca trù Đông Môn phát hiện và đào tạo được hàng chục ca nương thành danh và không ngừng truyền ngọn lửa đam mê, tình yêu ca trù đến thế hệ trẻ.

Như con tằm rút ruột nhả tơ, đào nương Phạm Thị Liên vẫn ngày ngày miệt mài, đắm đuối với nghiệp ca trù. Với chị, đó là cách để lưu truyền di sản mà cha ông để lại, tiếp tục gìn giữ và phát triển những giá trị văn hoá của quê hương.     

 Lam Giang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông