18:48 29/11/2022 Bài 2: Chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh Trong xây dựng nông thôn mới, 2 vấn đề được thành phố và các địa phương đặc biệt quan tâm là phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm vệ sinh môi trường. Quá trình xây dựng nông thôn mới rồi nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố đã đầu tư nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống đường giao thông, mở ra các tuyến đường rộng thênh thang 9m, 7m, 5,5m, 3,5m, nhiều tuyến đường có vỉa hè, mang lại một diện mạo mới hoàn toàn cho nông thôn Hải Phòng, khiến nhiều người về quê mà ngỡ như đang mơ. Tuy nhiên, để có được những tuyến đường đó, cần có sự đồng thuận của nhân dân và công tác dân vận khéo giữ vai trò quan trọng và cần thiết.
Dân vận khéo, khó mấy cũng thành công
Đặc thù của Hải Phòng trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới là chủ yếu vận động người dân hiến đất là chính, số được hỗ trợ từ ngân sách rất hạn chế. Vì thế, đây là công cuộc vô cùng khó khăn, phức tạp bởi liên quan trực tiếp tới lợi ích và cuộc sống của người dân. Bởi vậy, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương của thành phố, tất cả vì một nông thôn Hải Phòng đổi mới, hiện đại, văn minh, vì lợi ích của chính người dân.
Phó chủ tịch UBND xã Cấp Tiến (Tiên Lãng) Phạm Thành Minh cho biết, trong thi công tuyến đường từ ngã tư cửa hàng thôn Kinh Lương 4 tới cổng làng thôn Kinh Lương 6 dài 0,85km, mở rộng từ đường 5,5m lên 7m phải GPMB đối với 76 trường hợp, diện tích gần 3000m2. Trong đó, có 73 hộ có công trình kiến trúc trên đất ở với diện tích 676,8m2. Đây là việc khó và xã xác định công tác dân vận có vai trò quyết định. Vì thế, cả hệ thống chính trị cùng bắt tay vận động, tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, làm cho người dân thấy rõ được lợi ích khi tuyến đường hoàn thành. Đại đa số các hộ dân đồng tình, ủng hộ nhưng cũng có một số trường hợp khó khăn và được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể vận động.
Nhờ vậy, công tác GPMB hoàn thành trước dự kiến, nhiều hộ hiến vài chục m2 đất như hộ ông Phạm Khắc Lơi hiến gần 40m2; hộ ông Phạm Khắc Tạp hiến 30m2... Có trường hợp như hộ ông Phạm Đình Hòa đã hiến đất mở rộng đường một lần, giờ lại hiến tiếp lần 2, không những thế phần đất hiến nằm vào diện tích nhà ở chính nhưng vẫn tự nguyện phá dỡ.
Do đó, tuyến đường thi công thuận lợi, dự kiến hoàn thành trước 1 tháng so với kế hoạch. Theo Phó chủ tịch UBND xã Cấp Tiến Phạm Thành Minh, năm 2022, xã phấn đấu hoàn thành 10 tuyến đường rộng 9m, 5,5m, 3,5m và nhờ công khai, minh bạch, làm tốt công tác dân vận, không để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu nên công tác GPMB cơ bản hoàn thành, được coi là yếu tố chủ chốt, quan trọng nhất để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Vĩnh Bảo) Lê Minh Tuân, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là công việc nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm, hầu hết cán bộ xã và nhân dân đều lúng túng khi bắt đầu triển khai nhiệm vụ, nhất là khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng theo cơ chế nhân dân hiến đất, nhà nước bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc. Trong bối cảnh đó, xã xác định dân vận là yếu tố quyết định, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Nhờ vậy, xã đã vận động nhân dân hiến 7.983m2 đất để mở rộng đường theo quy hoạch, trong đó đất ở 347,3m2, đất nông nghiệp 6.379m2, đất khác 1.256,7m2. Đáng chú ý, cũng với các mô hình dân vận khéo, xã đã vận động xã hội hóa trồng nhiều cây xanh như bàng Đài Loan; Osaka... Hội phụ nữ xã thì đảm nhận các tuyến đường hoa...
Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để thực hiện 49 công trình giao thông xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2021, các địa phương vận động 1.696 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tặng cho 66.091m2 đất (gồm16.196m2 đất ở; 49.895m2 đất nông nghiệp); giải toả vật kiến trúc của 1.824 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Năm 2022, có 140 công trình giao thông; 28 công trình trường học, văn hoá, y tế, môi trường cần vận động 2.701 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tặng cho 189.013m2 đất (gồm 34.209m2 đất ở; 49.132m2 đất nông nghiệp; 105.672m2 đất khác); giải toả vật kiến trúc của 2.482hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận cho các huyện thực hiện 543 công trình nông thôn mới kiểu mẫu tại 35 xã (thời gian thực hiện trong 2 năm 2022-2023), gồm 445 công trình giao thông; 98 công trình trường học, văn hoá, y tế, môi trường. Để hoàn thành các công trình này, dự kiến các xã cần vận động 16.837 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tặng cho 956.247m2 đất (đất ở 400.88m2, đất nông nghiệp 288.562m2, 266.800m2 đất khác), giải toả vật kiến trúc của 14.018 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.
Có thể nói, đây là sự nghiệp lớn của toàn thành phố, tập trung vào 7 huyện với khối lượng công việc khổng lồ. Ngân sách thành phố đã đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu rất lớn, lên tới 2.971tỷ đồng trong năm 2022 và sẽ tiếp tục đầu tư trong những năm tới. Hiện bình quân mỗi xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được thành phố hỗ trợ 125 tỷ đồng. Với sự tập trung đầu tư như vậy, cần có sự đồng lòng, chung tay của toàn thể nhân dân, nhất là trong công tác GPMB thực hiện các dự án đường giao thông, trường học, văn hóa, y tế, môi trường.
Vì thế, các địa phương đều tập trung cao cho công tác dân vận, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các trường hợp có nhiều khó khăn, vướng mắc, phức tạp, các địa phương tập trung lực lượng cùng giải thích, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Nhờ vậy, đến nay, cả 14 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021; 35 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 đều đã triển khai thi công được các công trình.
Có thể thấy, công tác dân vận giữ vai trò quan trọng để hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất mở đường. Tiêu biểu như ở huyện Tiên Lãng. Năm 2021, huyện hoàn thành việc đầu tư đồng bộ trên 30 km đường giao thông kiểu mẫu tại Kiến Thiết, Cấp Tiến, Tiên Thắng.Năm 2022 tiếp tục đầu tư 134 tuyến đường giao thông, dài 68km tại 6 xã Cấp Tiến, Tiên Thắng Quyết Tiến, Đoàn Lập, Quang Phục, Toàn Thắng. Các tuyến đường đều có hệ thống điện chiếu sáng, rãnh thoát nước qua khu dân cư và bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp. Không những thế, huyện còn chỉ đạo các địa phương vận động xã hội hóa trang bị các thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời tại nơi công cộng tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, vui tươi trong cộng đồng dân cư.
Còn ở huyện An Dương, theo Chủ tịch UBND huyện Phạm Việt Hùng, trong xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã tiếp nhận hỗ trợ từ thành phố trên 78.500 tấn xi măng, xây dựng 492,5 km đường thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng. Trong đó, nhân dân tự đóng góp vật tư, cát đá, nhân công với tổng kinh phí trên 550 tỷ đồng, phát huy vai trò làm chủ thực sự của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đem lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn.
Rõ ràng, dân vận khéo nên việc xây dựng hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông ở Hải Phòng khó mấy cũng thành công. Giờ đây, về ngoại thành, ai cũng được đi trên những con đường lớn rộng thênh thang, ô tô đỗ tận cửa, tận sân nhà, nhiều tuyến đường có vỉa hè trồng cây xanh, có điện chiếu sáng, không khác gì phố thị. Có sự đầu tư của thành phố; có sự chung sức đồng lòng của nhân dân, vừa hiến đất, vừa góp công, góp của, nông thôn Hải Phòng đang tiến tới hiện đại, văn minh, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.
Quan tâm tới điều kiện sống, bảo đảm môi trường
Rác thải là một trong những vấn nạn của nông thôn Hải Phòng từ nhiều năm nay và trong giai đoạn này, khi thành phố triển khai rầm rộ phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì càng trở nên cấp thiết. Đường sá, khu dân cư sạch sẽ, văn minh, càng không có chỗ cho sự ô nhiễm.
Bởi thế, ở xã Kiến Thiết (Tiên Lãng), đầu năm 2022 đã tổ chức đoàn cán bộ sang học tập mô hình xử lý rác tại xã Quang Khải, huyện Ninh Giang, Hải Dương và trở về đăng ký mô hình dân vận khéo phân loại rác đầu nguồn do Ủy ban MTTQ xã làm chủ công. Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng kế hoạch; Ủy ban MTTQ xã và các đoàn thể vận động làm thí điểm tại thôn Thạch Hào.
Theo đó, mỗi gia đình đào một hố chôn lấp rác hữu cơ, có nắp đậy do huyện hỗ trợ kinh phí. Rác thải hàng ngày được các hộ dân phân loại, rác hữu cơ đưa vào hố chôn lấp có rắc chế phẩm vi sinh tự phân hủy và có thể tái sử dụng để trồng cây. Phần rác thải rắn mới đưa tới nơi tập kết của xã. Bằng cách này, lượng rác thải của xã hàng ngày giảm một nửa; các hộ dân hào hứng tham gia.
Không những thế, các khu vực khác như trường học, trạm y tế cũng thay thế các thùng rác nhựa bằng xây bể xử lý rác. Ông Vũ Hồng Hà, trước là Trưởng thôn Thạch Hào, nay là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã được lãnh đạo xã đánh giá là người năng nổ, nhiệt tình, trực tiếp tới từng nhà dân để vận động xử lý rác hợp vệ sinh. Cũng chính vì tính hiệu quả của mô hình này mà huyện Tiên Lãng đã chỉ đạo nhân rộng sang các xã khác, tạo thành thói quen phân loại rác đầu nguồn và xử lý rác hợp vệ sinh, góp phần giải quyết vấn nạn rác thải nông thôn hiện nay.
Thật đáng mừng, trong các chương trình dân vận khéo của các địa phương, có rất nhiều mô hình liên quan tới công tác bảo vệ môi trường. Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Bảo Nguyễn Thị Mai cho biết, mô hình dân vận khéo về công tác vệ sinh môi trường được triển khai khá rộng rãi. Tiêu biểu như mô hình phân loại và xử lý rác thải thành phân hữu cơ tại hộ gia đình của Hội phụ nữ xã Liên Am; mô hình thu gom, xử lý rác thải của Hội phụ nữ xã Tam Đa, Thanh Lương…
Huyện Kiến Thụy có mô hình vận động nhân dân cải tạo cảnh quan trường học tại xã Đại Đồng; phân loại rác thải đầu nguồn tại xã Thụy Hương. Ở huyện Thủy Nguyên, có mô hình tuyến đường hoa, thùng rác xanh tại xã An Sơn; Cao Nhân; phân loại rác thải đầu nguồn tại Hợp Thành; thùng đựng rác tự quản ở Kênh Giang; tuyến đường xanh thanh niên ở Thủy Đường…
Huyện An Lão có mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng ở xã An Tiến. Huyện Tiên Lãng có các mô hình phân loại và xử lý rác thải hợp vệ sinh; thu gom rác thải nghĩa trang nhân dân ở xã Đoàn Lập… Những cách làm, những mô hình dân vận khéo đó đã thực sự thổi một luồng gió mới vào tư duy cũ, cách xử lý rác tùy tiện trước đây, làm cho các vùng quê mỗi ngày thêm sạch đẹp, hấp dẫn.
Đáng chú ý, các mô hình dân vận khéo còn tập trung vào các lĩnh vực như vận động lắp đặt camera an ninh; xây dựng các thôn thông minh; bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng các câu lạc bộ dân vũ; tủ áo dài truyền thống; lắp đặt wifi miễn phí tại các nơi công cộng; khuyến học khuyến tài; chăm lo cho gia đình chính sách; giảm nghèo… Tất cả đã tạo nên hiệu ứng thiết thực, cho thấy phong trào dân vận khéo đã mang tới những lợi ích to lớn cho người dân, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh - Trung Kiên
07:50 26/12/2024
20:34 25/12/2024
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế