Đảng bộ, quân và dân thành phố đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

16:09 01/02/2011

Năm 2010, Hải Phòng tiếp tục chuyển mình trên đà thắng lợi mới. ĐónXuân Tân Mão - 2011 với thế và lực đi lên của đất nước, Đảng bộ, quânvà dân thành phố phấn khởi, vững tin, đoàn kết một lòng, phát huy nhữngthành tựu đã đạt được, vận dụng kinh nghiệm những năm qua; đồng thờitập trung trí tuệ và mọi nguồn lực phấn đấu thực hiện thắng lợi cácnhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2011, tạo tiền đềcho bước phát triển mới nhanh hơn, cao hơn và bền vững hơn.

Nỗ lực suốt cả chặng đường

5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố Cảng, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đạt được những thành tựu quan trọng, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII đề ra, đưa Hải Phòng có bước phát triển mới. Giai đoạn 2006-2010, huy động gần 119 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội; thu hút 297 dự án FDI (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 4,4 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 21.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; cơ sở vật chất kỹ thuật và quy mô kinh tế thành phố tiếp tục phát triển rõ nét. Kinh tế phát triển ổn định và liên tục tăng trưởng: tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2006-2010 bình quân tăng gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước; nhiều chỉ tiêu đạt cao, về trước kế hoạch từ 1 đến 3 năm (sản lượng hàng hoá thông qua cảng, thu ngân sách trên địa bàn, tổng vốn đầu tư toàn xã hội...); tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tăng 1,7 lần và thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng 63,4% so với năm 2005; tỷ trọng GDP trong GDP cả nước chiếm 4,3% (năm 2005 là 3,6%).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tiên tiến: tỷ trọng GDP của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 87% năm 2005 lên 90% năm 2010; một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực, nhiều lợi thế phát triển nhanh, có thêm sản phẩm mới. Tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng được khai thác, phát huy toàn diện và hiệu quả hơn, Hải Phòng đang ngày càng khẳng định rõ tính chất, vai trò là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đang từng bước trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ của vùng Duyên hải Bắc Bộ; tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn, GDP thành phố vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 10,6%, GDP bình quân đầu người 1.758,5 USD, gấp hơn 2,6 lần năm 2000. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng, số hộ nghèo giảm mạnh...

Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng cũng còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế còn thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững; công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp; các sản phẩm chủ lực ít; tiềm năng phát triển kinh tế biển, đảo, du lịch chưa khai thác tốt, tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thực hiện chậm. Cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiến độ triển khai một số dự án lớn chậm. Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Công tác xã hội hoá các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao chậm. Chất lượng giáo dục - đào tạo, khám chữa bệnh còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao ít. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Việc sử dụng và khai thác tài nguyên chưa thật hợp lý và tiết kiệm. Môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm...

Vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

Hải Phòng đang cùng cả nước nỗ lực đi vào giai đoạn phát triển cao hơn, nhanh hơn và bền vững hơn, với yêu cầu nổi bật là thu hút và tập trung cao các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng với quy mô lớn. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng đều đã xác định hướng phát triển trong những năm tới của đất nước là: tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng theo chiều rộng với chiều sâu, dựa trên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành, các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế thành phố. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường. Phải đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo tinh thần này, Hải Phòng sẽ từng bước đổi mới cách thức tăng trưởng; chú trọng phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp dịch vụ có nhiều lợi thế, có khả năng xuất khẩu và tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách thành phố. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung khai thác toàn diện lợi thế về biển để phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển: đẩy nhanh phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo như đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử, xi măng, thép, chế biến thuỷ sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng cao. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải, kho bãi, hàng hải, thương mại, viễn thông, du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng để Hải Phòng phát huy tốt vai trò là thành phố cảng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, thực hiện tốt chiến lược phát triển hợp tác "hai hành lang, một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đối với các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn dự án đầu tư theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sạch, đảm bảo phát triển bền vững. Nhiệm vụ quản lý và phát triển đô thị cần được thành phố dùng nhiều trí tuệ, công sức, nguồn lực và tâm huyết bởi lẽ đô thị không chỉ là nơi tập trung sinh sống của đông đảo người dân thành phố mà đô thị chính là một bước phát triển cao của xã hội loài người, là một động lực chủ yếu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chính vì thế, ngoài việc chọn năm 2011 là “Năm đô thị và bảo đảm an sinh xã hội”, Thành uỷ sẽ bàn và ra NQ mới về phát triển đô thị Hải Phòng, tạo tiền đề và động lực mới mạnh mẽ cho quản lý và phát triển đô thị Hải Phòng.

Về phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, thành phố tiếp tục khuyến khích quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên môn hoá và xây dựng mô hình sản xuất trang trại, gia trại nông, lâm, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, môi trường sinh thái, tập quán sản xuất, tâm lý xã hội và lợi thế kinh tế của từng địa phương. Thành phố sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ gia đình, các thành phần kinh tế đầu tư nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu nông sản, thuỷ sản của thị trường trong nước và thế giới, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chăm lo đời sống nông dân, hạn chế dần khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí và mục tiêu của Trung ương đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện theo quy hoạch, phát triển và hiện đại hoá đồng bộ các khu đô thị về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phát triển chương trình nhà ở, chương trình xã hội hoá các ngành dịch vụ công...   
Trên cơ sở định hướng phát triển trên đây, thành phố sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, bưu chính - viễn thông; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển. Rà soát lại việc thực hiện các chương trình, các công trình trọng điểm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra để có kế hoạch tập trung thực hiện, từ đó xác định những nhiệm vụ, công trình trọng tâm cần tập trung đầu tư, tập trung chỉ đạo thực hiện, kiên quyết không đầu tư dàn trải. Xây dựng danh mục các công trình phải hoàn thành để đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thu hồi đất, bố trị vốn; chấm dứt tình trạng sử dụng vốn lãng phí, hiệu quả thấp. Đồng thời coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đội ngũ lãnh đạo quản lý, doanh nghiệp, cán bộ khoa học - kỹ thuật giỏi; đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế thành phố. Đi đôi với phát triển kinh tế, thành phố tiếp tục quan tâm phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Để đạt được mục tiêu "Phát huy toàn diện, đồng bộ tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, tập trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá, để đến năm 2015, Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại; có kinh tế phát triển nhanh, bền vững; đô thị phát triển xứng tầm là đô thị loại I - đô thị trung tâm cấp quốc gia..." được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ thành phố, đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó có lực lượng công an thành phố phải nỗ lực hết mình, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, thành phố nói riêng, luôn đòi hỏi lực lượng Công an Hải Phòng phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm giành thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH, vì sự bình yên của nhân dân. Bên cạnh đó, các lực lượng công an cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm đảm bảo TTATGT, trật tự công cộng; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Hải Phòng ngày càng thông thuận, hấp dẫn, minh bạch và hiệu quả hơn.


DƯƠNG ANH ĐIỀN



Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông