10:11 31/03/2023 Từ lâu, Cát Bà được coi là một “cô gái đẹp” với rất nhiều danh hiệu cao quý: khu dự trữ sinh quyển thế giới; di tích quốc gia đặc biệt; vịnh đẹp nhất thế giới và đang được lựa chọn để cùng với Vịnh Hạ Long đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới… Cũng hiếm có địa phương nào hội đủ các điều kiện phát triển như Cát Hải, bao gồm cả du lịch, dịch vụ- công nghiệp- logistics- cảng biển và cả đô thị thông minh, đô thị sinh thái… Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, đây là niềm mơ ước của nhiều địa phương và là lợi thế riêng có của đảo. Những năm qua, tiềm năng, lợi thế đó đã được đánh thức nhưng vẫn chưa được như mong muốn và trách nhiệm của thành phố, của huyện Cát Hải là phải nhanh chóng biến tiềm năng đó thành giá trị thực tế, đưa Cát Hải phát triển nhanh và bứt phá, xứng đáng là một trọng điểm phát triển của Hải Phòng.
Trọng điểm thu hút đầu tư
Với vị thế đó nên những năm qua, Cát Hải được thành phố đặc biệt quan tâm, được ưu tiên trên tất cả các lĩnh vực và đã trở thành trọng điểm phát triển của Hải Phòng. Đến nay, Cát Hải đã có Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; có Nhà máy sản xuất ô tô VinFast sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và đã vươn ra cả thị trường quốc tế. Cũng chính tại đảo ngọc này, Tập đoàn Sungroup đã đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án phát triển du lịch cùng nhiều dự án tầm cỡ khác của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước.
Thế mạnh lớn nhất của Cát Hải là có tới 5000 ha nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; là 1 trong 4 địa phương được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nghị quyết chuyên đề. Hiện Cảng Lạch Huyện đã có 2 bến khởi động đi vào hoạt động; các bến số 3, 4,5,6 đang được xây dựng khẩn trương và thời gian tới sẽ tiếp tục kêu gọi để thực hiện các bến cảng tiếp theo. Cát Hải cũng có 2 khu công nghiệp lớn của DEEP C và Tập đoàn Sungroup với diện tích mỗi khu hơn 500 ha; có khu phi thuế quan, logictics và công nghiệp Xuân Cầu 750 ha đã được phê duyệt.
Cùng với đó, Cát Bà có lợi thế đặc biệt về du lịch. Với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, Cát Bà hội đủ 3 chữ Đ mong muốn của ngành du lịch. Đó là độc- đẹp và đáng để đến. Gần 3 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lượng khách tới Cát Bà mới giảm chứ những năm trước đó liên tục tăng theo cấp số nhân, năm 2019 đạt tới 2,8 triệu lượt khách, chiếm tới 1/3 tổng lượng khách du lịch toàn thành phố, năm 2022 đạt 2,360 triệu lượt khách. Nhưng điều quan trọng là du khách tới Cát Bà đều háo hức, mê say, đều bị hút hồn bởi vẻ đẹp của đảo. Giờ đây, khi đại dịch bị đẩy lùi, Cát Bà tiếp tục là trọng điểm thu hút khách du lịch của thành phố và mục tiêu đón 3 triệu lượt khách và cao hơn đang tới rất gần.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, xác định rõ Cát Hải có vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển KTXH, giữ vững QPAN của Hải Phòng nên những năm qua, ngân sách thành phố đã đầu tư tới hơn 4300 tỷ đồng để thực hiện 14 dự án tại Cát Hải, cho thấy mức độ quan tâm của thành phố đối với Cát Hải lớn như thế nào. Cát Hải cũng là địa phương đầu tiên của Hải Phòng được công nhận là huyện nông thôn mới và đang tích cực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.
Phá vỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển
Có lợi thế, tiềm năng, được sự quan tâm như vậy nhưng thẳng thắn nhìn nhận, Cát Hải chưa thực sự vươn lên xứng tầm vị thế. Tại cuộc làm việc mới đây của Thường trực Thành ủy tại huyện Cát Hải, nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét đều cho rằng Cát Hải đang có sự “chững lại”. Điều đó được thể hiện khi nhiều chỉ tiêu KTXH mà đại hội 12 của Đảng bộ huyện đề ra đều đạt thấp hơn mong muốn, cả về tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân; cơ cấu kinh tế; khách du lịch; tổng thu ngân sách; tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, Cát Hải có nhiều dự án lớn, trọng điểm đang được thực hiện nhưng tiến độ GPMB chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, tiến độ tháo dỡ lồng bè trên biển cũng rất chậm. Đây là điều kiện quyết định để bảo đảm các tiêu chuẩn đề nghị UNESCO công nhận Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, thành phố đã có chủ trương, HĐND thành phố ban hành nghị quyết nhưng việc thực hiện chưa được quyết liệt và chưa hoàn thành dứt điểm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Cát Hải, địa phương cũng đang vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới sự phát triển. Đó là một số dự án lớn phát triển du lịch; bất động sản của các doanh nghiệp triển khai rất chậm. Trong thực hiện các mục tiêu phát triển, còn vướng nhiều về quy hoạch phải báo cáo xin điều chỉnh nên kéo dài thời gian. Việc cấp nước sạch cho đảo cũng còn nhiều vấn đề nan giải.
Từ đó, huyện Cát Hải đề nghị thành phố quan tâm xem xét, chỉ đạo triển khai một số dự án lớn như bến phà Đồng Bài; nâng cấp bến phà Cái Viềng; nghiên cứu thực hiện cầu Tân Vũ- Lạch Huyện 2; đầu tư xây dựng hệ thống đê biển, đoạn từ Đầu Voi đến Mốc Trắng xã Phù Long; xây dựng hồ chứa nước ngọt tại thôn Hải Sơn, xã Trân Châu; đầu tư xây dựng bến đón, trả khách du lịch cho tàu nghỉ đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; cho phép huyện lập dự án đầu tư khu tái định cư trong quy hoạch 142ha khu tái định cư đảo Cát Hải; xem xét điều chỉnh, bổ sung vị trí neo đậu lồng bè nuôi thuỷ sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà…
Điều cấp bách hiện nay là cần đa dạng hóa các loại hình giao thông ra đảo Cát Bà bằng cả đường bộ và đường thủy, lưu tâm cải tạo, nâng cấp cả bến tàu khách Bến Bính và bến Phù Long; kêu gọi đầu tư các phương tiện thủy hiện đại, văn minh… để du khách đến với Cát Bà nhanh nhất, thoải mái nhất, vừa lòng nhất.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: tất cả các vấn đề này đang được thành phố xem xét, trong đó có một số dự án như xây dựng hồ chứa nước ngọt, xây dựng khu tái định cư sẽ được đầu tư công; một số dự án đã chỉ đạo nghiên cứu để triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Thành phố cũng đang thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Vấn đề còn lại chính là sự năng động, quyết đoán, quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện, quyết tâm phá vỡ các điểm nghẽn, sự trì trệ để Cát Hải trở lại thời kỳ phát triển sôi động.
Đồng chí Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Cát Hải rất nhiều tiềm năng, lợi thế, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Định hướng phát triển huyện cũng đã rõ. Do đó Đảng bộ chính quyền huyện cần phát huy tốt các tiềm năng lợi thế đó, huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển huyện phát triển nhanh và bứt phá, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, tập trung cho công nghiệp, du lịch, cảng biển…
Hội đủ các điều kiện, là trọng điểm phát triển của thành phố với đầy đủ 3 trụ cột kinh tế chủ yếu mà đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đã xác định là công nghiệp- logistics, cảng biển- du lịch, dịch vụ, Cát Hải phải bứt phá mạnh mẽ hơn, mang lại những giá trị to lớn hơn cho chính huyện đảo và cho cả thành phố Hải Phòng.
Có thể nói, từ chuyến thăm và làm việc củaThường trực Thành ủy, huyện Cát Hải đã xác định được những việc cần làm trước mắt và cả lâu dài để phát triển huyện đảo xứng tầm vị thế, xứng đáng là trọng điểm phát triển của thành phố Hải Phòng. Với sự chỉ đạo cụ thể, rõ nét của đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu; sự vào cuộc, đồng tâm hiệp lực của UBND thành phố; các ngành thành phố và sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo, Cát Hải được chắp cánh để bay cao, sẽ bước vào giai đoạn phát triển bứt phá mạnh mẽ, mang lại sự đổi đời cho người dân và đóng góp tích cực , chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát triển, tăng trưởng của Hải Phòng./.
Hồng Thanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết