18:08 24/08/2022 Danh y Đào Công Chính (sinh 1639- 1709), người làng Cõi, tổng Đông Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Xuất thân từ gia đình nho học, Đào Công Chính từ nhỏ đã thông minh, ham học. Ông đậu Hương Cống năm 13 tuổi, đậu Bảng Nhãn khi mới 23 tuổi và để tránh tên húy, dân trong làng gọi ông là Bảng Cõi.
Ông được triều đình tin cậy, đánh giá cao, cử đi làm Phó sứ từ năm mới ngoài 30 tuổi, được phong Hữu thị lang bộ Hình, sau là Tả thị lang rồi Bối tụng.
Trong sự nghiệp của mình, Đào Công Chính được người đời biết đến là nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà sử học, đặc biệt là Danh y lỗi lạc (được người đời gọi là thánh thuốc nam), nhà dưỡng sinh học nổi tiếng từ thế kỷ XVII đời Lê Thánh Tông. Ông là tác giả bộ sách thuốc nổi tiếng: “Bảo sinh diên thọ toàn yếu” (diên thọ) một cuốn sách y lý sớm nhất của Việt Nam.
Theo các tư liệu lịch sử còn lưu giữ, năm 1676, theo sắc chỉ của vua Lê Hy Tông và chúa Nam Định vương Trịnh Căn, bằng sự hiểu biết sâu rộng của mình về phương pháp dưỡng sinh, Danh y Đào Công Chính đã viết cuốn “Bảo sinh diên thọ toàn yếu” gồm 5 quyển.
Nội dung cuốn sách y học này sưu tầm, phân tích, tổng hợp nhiều kiến giải của các tác phẩm y học, trị liệu xưa như: Tuân sinh, Đạt sinh, Bản thảo cương mục… và kinh nghiệm rèn luyện cơ thể của những người theo đạo Lão như: Đào Hoằng Cảnh, Lã Đồng Tân, Trần Đoàn… mục đích dạy cho nhân dân và quân lính cách thức, phương pháp giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, tăng tuổi thọ bằng cách giữ vệ sinh, điều dưỡng, rèn luyện tâm thần, trị bệnh bằng thư giãn, hô hấp, hít thở, xoa bóp, dưỡng sinh, trị liệu… và phương pháp điều trị một số bệnh như tim, phổi, mật, thận, dạ dày…
Cuốn sách được vua Lê và chúa Trịnh Căn rất khen ngợi, cho in số lượng lớn rồi phổ biến rộng rãi. Sau này, sách được Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng dịch ra chữ quốc ngữ và được nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam phát hành, được cộng đồng xem như cuốn sách “gối đầu” cho người dân.
Để đánh giá toàn diện về ông, ngày 6-12-2004 tại huyện Vĩnh Bảo đã diễn ra “Hội thảo về thân thế, sự nghiệp Danh y Đào Công Chính”. Tại Hội thảo, Đào Công Chính được nhất trí suy tôn là một trong ba đại Danh y của Việt Nam, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: “Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác; dược học đối với Tuệ Tĩnh; dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính”.
Tiếp đó, ngày 9-6-2022, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật thành phố và UBND huyện Vĩnh Bảo phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Danh y Đào Công Chính và những cống hiến cho nền y học cổ truyền dân tộc”. Tại Hội thảo, một lần nữa, các nhà khoa học, các đại biểu, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương tiếp tục trao đổi ý kiến, công bố các kết quả nghiên cứu mới, làm sáng tỏ những vấn đề về thân thế, sự nghiệp của Danh y Đào Công Chính đặc biệt là những cống hiến của ông cho nền y học cổ truyền dân tộc, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị nghiên cứu về sử học, y học do ông để lại.
Với mục đích giáo dục thế hệ con cháu tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của vị danh y nổi tiếng của đất nước, huyện Vĩnh Bảo đã triển khai xây dựng Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính, tại thôn Hội Am, xã Cao Minh. Ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo cho biết, để lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, nhất là những cống hiến to lớn của Danh y vào nền y học cổ truyền của dân tộc, dự án Nhà lưu niệm nói trên được triển khai trên khuôn viên hơn 10.000 m2 với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.
Để ghi nhớ công lao của vị Danh y Đào Công Chính, chính quyền địa phương cũng như các nhà khoa học đề xuất thành phố đặt tên đường phố hoặc công trình có giá trị mang tên ông tại huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng.
DUYÊN KIÊN
15:05 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh