Đạo diễn Đào Trọng Khánh: Người nghệ sỹ mê chơi, thích sự thật thà

14:53 18/08/2017

Tôi được gặp ông trong một căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường trong con ngõ hẹp ở phố Miếu Hai Xã, Hải Phòng. Gần bước sang tuổi “bát thập”, người nghệ sỹ già đã có chút dấu hiệu của sự mệt mỏi, nhưng giọng nói vẫn còn khỏe khoắn với lối kể chuyện bộc trực, lôi cuốn, vô cùng hoạt ngôn của một người trải đời khiến người nghe khó có thể dứt ra được. Ông là Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đào Trọng Khánh…

NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940, ở quận Dương Kinh, Hải Phòng. Ông từng là công nhân Cảng Hải Phòng đầu những năm 1960, là phóng viên chiến trường những năm chống Mỹ; là đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng tài ba.

Ông đồng thời là Hội viên Hội điện ảnh Việt Nam, Hội viên Hội liên hiệp VH-NT Hải Phòng và đương kim Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Điện ảnh - Truyền hình Hải Phòng. Người ta thường nhắc tới ông với cụm từ “đạo diễn phim tài liệu” bậc thầy.

Gần 20 lần được xướng danh trong các giải thưởng liên hoan phim trong nước và quốc tế, NSND Đào Trọng Khánh xứng đáng là “lão làng” trong ngành điện ảnh, đặc biệt là mảng phim tài liệu. Chỉ cần nhìn vào danh mục những phim tài liệu ông đã làm, có thể thấy được tầm vóc con người nghệ sĩ trong ông. N

hững tác phẩm như: “Một phần 50 giây cuộc đời”, “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Vũ nữ Trà Kiệu”, “Truyền kỳ sự thật”, “Nửa thế kỷ một ngày”, “Một thế kỷ, một đời người”, “Đồng chí Phạm Văn Đồng”, “Lửa thiêng”... với những thước phim vô giá đã trở thành những chuẩn mực về loại hình nghệ thuật đặc thù, vốn rất khó tính này. Tiếng tăm như cồn với phim tài liệu, ấy vậy mà Đào Trọng Khánh còn được mọi người nể trọng với tư cách một nhà thơ, một tác giả viết tùy bút tài năng.

NSND Đào Trọng Khánh chia sẻ, ông viết tùy bút từ những ngày đầu khi làm phóng viên chiến trường. Ông tự nhận mình là người ham chơi, thích đối ẩm, là người may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc và làm bạn với những văn nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Say sưa với những hồi ức, kỷ niệm, ông nhớ lại, khoảng thời gian năm 1965 khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục xuống Hải Phòng làm việc không có chốn trú chân nên đã về ở chung với ông tại ngôi nhà ở Lê Chân xưa.

Với gần 10 năm gắn bó dưới một mái nhà, Đào Trọng Khánh và Nguyễn Khắc Phục có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Ông nói, Nguyễn Khắc Phục là một người tốt.

NSND Đào Trọng Khánh còn nói rất nhiều về những chuyến đi khắp rộng dài đất nước với nhà nhiếp ảnh tiền bối - cụ Võ An Ninh trong suốt 4 tháng làm phim. Giọng ông trầm hẳn khi nhắc về nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học tài hoa, bạc mệnh Lưu Quang Vũ: “Vũ hiền lắm.

Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những ngày tháng đói nghèo nhưng vui và đầy ắp ý tưởng. Nhờ có Vũ mà tôi biết làm thơ, đến với thơ. Cũng nhờ có Vũ mà tôi đến với phim tài liệu để nhận ra rằng, phim tài liệu và thơ rất giống nhau”.

Ông cũng kể về rất nhiều người bạn của mình. Những mối ân tình, những kỷ niệm không thể có lần thứ 2 trong cuộc đời con người ấy đã trở thành ngọn nguồn cảm xúc, khơi nguồn sáng tạo trong Đào Trọng Khánh.

Ông viết khá hay ở dạng tùy bút về những văn nghệ sỹ, về những người bạn tốt của mình như: “Nguyễn Khắc Phục tiếng gọi giữa thiên hà”, “Những cơn mưa rào ngoài biển” (về Lưu Quang Vũ), “Đám mây hình con rồng” (về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm)…

Những dòng tùy bút ấy, ông không chỉ đau đáu với những kỷ niệm, tình cảm chân thành và xúc động của mình với những người bạn văn nghệ sỹ mà đó là những bức “ký họa bằng ngôn từ” về chân dung họ, giúp người đọc cảm nhận được phần nào về con người, tính cách cũng như thần thái trong mỗi nhân vật.

Xin trích một ví dụ: “Cuộc đời cũng như tranh của Nguyễn Tư Nghiêm không có cái có và cái không có. Chúng lướt qua nhau, xâm lấn vào nhau, không có sự phân chia cứng nhắc và vô nghĩa của đời sống thực.

Ý tưởng nghệ thuật im lặng giấu mình của Nguyễn Tư Nghiêm nói lên nỗi lo âu của con người và dân tộc. Những gì còn lại trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm chỉ là một phần bé nhỏ của tâm hồn ông…” (“Đám mây hình con rồng”).

Là người con của thành phố Cảng, NSND Đào Trọng Khánh cũng đã dành trọn tình cảm của mình cho quê hương qua những trang tùy bút. Đọc “Chợ Sắt ngày xưa”, “Nhập hồn Tam Bạc”…, người đọc như được trở với một Hải Phòng xưa: “Những năm cuối thế kỷ 20, Pháp cho xây dựng ở Việt Nam những công trình kiến trúc nổi tiếng với vật liệu chính bằng sắt, các cầu lớn như cầu Long Biên - Hà Nội, những khu chợ như chợ Sắt - Hải Phòng.

Giữa chợ có tháp nước cao, lên tới đỉnh nhìn bao quát cả một vùng phố phường sông nước. Cái tên “Chợ Sắt” có lẽ hình thành từ ngày ấy. Gần chợ có bến tầu Quảng Đông tấp nập. Những năm 20 đầu thế kỷ trước, có mặt các nhà tư bản dân tộc đầu tiên của Việt Nam kinh doanh buôn bán, khiến cho khu chợ Sắt thêm nổi tiếng…

Chợ Sắt cũng là nơi những người dân nghèo lam lũ ở các tỉnh tìm đến làm ăn buôn bán nhỏ kiếm sống. Cụ bà thân sinh ra nhà văn Nguyên Hồng vẫn giữ nghề buôn cau từ Nam Định về bán ở chợ. Những nhà hoạt động cách mạng cũng lấy chợ Sắt làm nơi gặp gỡ…” (“Chợ Sắt ngày xưa”)…

Đọc những tùy bút của Đào Trọng Khánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Tô Hoàng Vũ chia sẻ, Đào Trọng Khánh viết không dài nhưng súc tích, viết bằng cảm nhận, bằng tâm thức.

Tác giả đã viết ra những gì tinh túy nhất, cô lại và dồn nén vào đó hồn cốt, tâm trạng mình, nên các bài viết tìm ra được cách thể hiện riêng, giàu xúc cảm và đậm chất thơ, tạo nên lối riêng. Có thể nói, các bài viết của Đào Trọng Khánh là những tùy bút đặc sắc. Kể cả đề tài khó khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc dẫu đã đọc hàng nghìn trang sách về Người nhưng vẫn thấy ở bài viết của ông những gì họ chưa từng nghe nói.

Theo NSND Đào Trọng Khánh, tính đến giờ, ông viết được hàng trăm tùy bút. Những gì ông viết đều là cái thực, không tô vẽ.

Từ một số tùy bút này ông đã làm thành phim tư liệu. Tới lúc này, khi không còn đủ sức khỏe để làm phim tư liệu nhưng ông vẫn miệt mài viết. Ông khoe, ngày nào cũng làm việc, cũng viết.

Ông dự định trong thời gian sắp tới với sự giúp đỡ của Nhà Xuất bản Văn học, sẽ cho ra đời một cuốn tuyển tập chắt lọc khoảng 50 tùy bút, coi như đó như một món quà kỷ niệm tri ân để lại của cuộc đời người nghệ sỹ.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông