18:28 21/06/2023
Tại hội thảo đầu tiên về nhà Mạc được tổ chức vào ngày 18-7-1994 tại huyện Kiến Thụy, Giáo sư Phan Huy Lê đã nhấn mạnh: “Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê, việc nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc lên thay là hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có những đóng góp nhất định về mặt văn hóa, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế”.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, về kinh tế, vào thế kỷ XVI, triều Mạc (1527-1592) thay thế triều Lê tuy không giữ được sự ổn định lâu dài và thống nhất đất nước nhưng chính sách kinh tế, nhất là đối với công thương nghiệp tỏ ra cởi mở hơn triều Lê sơ.
Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, các nghề thủ công, đặc biệt là gốm sứ vẫn có nhiều bước phát triển với nhiều loại hình phong phú, có dấu ấn, phong cách riêng. Trong một cái nhìn so sánh có thể thấy “thương nghiệp thời Mạc rõ ràng phát triển hơn trước.
Tiền đúc nhiều, chợ mở nhiều, nhất là các thị trấn ở miền giáp ranh (giáp ranh đồng bằng – biển, giáp ranh thung lũng – đồng bằng): miền lũng Vũ Nhai tìm thấy nhiều hũ tiền thời Mạc, với tiền Mạc, gốm Mạc,… cũng có những khu di chỉ Mạc rộng lớn đầy tiền Mạc và gốm Mạc, cũng có những luồng thương nghiệp đường dài nội địa (sự nở rộ của các pho tượng Nam Hải quan âm được thờ ở ven sông như thần phù hộ cho thương nhân, thương thuyền”. Vào thời Mạc, các thành thị đồng thời là các trung tâm kinh tế như Thăng Long, Dương Kinh… đều có những phát triển mau chóng.
Theo quan điểm của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, kể từ khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, triều đại nhà Mạc đã giúp cho sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đem lại đời sống ấm no cho Nhân dân.
Thủ công nghiệp được phát triển, nhất là đồ gốm, đồ dệt. Trật tự an ninh được đảm bảo, không còn người cầm giáo mác và binh khí đi ngoài đường, không còn trộm cướp ban đêm.
Người đi lại buôn bán được an toàn. Trâu bò thả chăn không mang về. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”.
Ngoài việc phát triển công nghiệp và thương nghiệp, nhà Mạc đã rất chú trọng tới nhân tài từ tuyển chọn qua con đường thi cử. Theo “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục”, trong 65 năm tồn tại của mình, nhà Mạc cứ 3 năm tổ chức 1 kỳ thi và đã tổ chức được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 vị tiến sĩ, trong đó có 13/48 vị trạng nguyên trong tổng số 800 năm thi cử phong kiến Việt Nam.
Có thể nói rằng, dưới thời Mạc việc dạy học, thu cử được khuyến khích phát triển cao độ. Các trung tâm giáo dục, các Văn miếu địa phương được hình thành và xây dựng khắp nơi. Đặc biệt là Văn miếu Mao Điền - Hải Dương là nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ.
Đặc biệt, giáo dục dưới thời Mạc đã có nhiều đổi mới, tự do trong thi tuyển, công bằng và cởi mở hơn không phân biệt đẳng cấp. Trong suốt thời kì lịch sử phong kiến Việt Nam chỉ có duy nhất một vị nữ tiến sĩ là Nguyễn Thị Duệ - đỗ đạt dưới thời Nhà Mạc. Nhà Mạc đã tạo ra được nền giáo dục thịnh đạt với nhiều nhân vật kiệt xuất như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Giáp Hải… những người đã góp phần phát triển nền văn hóa và tôn vinh lòng tự hào dân tộc.
Với 65 năm tồn tại, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định với lịch sử dân tộc. Công lao dựng nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận. Đảng và Nhà nước đã có quyết định đầu tư xây dựng khu tưởng niệm Vương triều Mạc và các vua nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng vốn là nơi phát tích vương triều Mạc, kinh đô hướng biển đầu tiên của quốc gia Đại Việt và đưa vào công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Để tưởng nhớ, tri ân những đóng góp to lớn về mặt giáo dục của Vương triều Mạc, từ năm 2012, UBND huyện Kiến Thụy đã quyết định đưa lễ hội khai bút đầu xuân vào hoạt động của Khu tưởng niệm, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách xa gần đến tham dự.
LIÊM ĐOÀN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh