Đấu tranh với tình trạng vi phạm bản quyền: Kiên quyết không nhân nhượng

14:51 26/11/2017

Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về việc hôm 15-11, nữ đạo diễn - diễn viên Ngô Thanh Vân đã cùng đại diện nhà phát hành đến cơ quan Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tố cáo việc một người có tên là N.V.T, sinh năm 1998, sống tại Vũng Tàu, đã live stream trái phép bộ phim Cô Ba Sài Gòn khi phim vừa ra rạp tại tỉnh này.

Sở dĩ vụ việc này thu hút được sự chú ý của dư luận bởi “đả nữ” Ngô Thanh Vân vốn khá nổi tiếng trong giới showbiz từ trước đến nay. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên điện ảnh Việt bị vi phạm bản quyền trắng trợn ngay trong rạp phim. Tháng 4-2017, bộ phim Em chưa 18 từng bị một khán giả nữ live stream ngay từ cụm rạp CGV Cần Thơ. Bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng của Ngô Thanh Vân bị một khán giả nữ tại TP Hồ Chí Minh live stream hồi tháng 6-2017.

Ngô Thanh Vân có mặt tại Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để làm việc về vụ việc livestream trái phép bộ phim Cô Ba Sài Gòn

Xét trên bình diện rộng hơn, tình trạng vi phạm bản quyền phim, các chương trình truyền hình, tranh ảnh, lĩnh vực văn học nghệ thuật diễn ra khá nhiều và đang có chiều hướng gia tăng. Những họa sỹ có tên tuổi của Việt Nam như Thành Chương, Đinh Công Đạt, Tạ Tỵ… cũng đã từng bị mạo danh hay vi phạm bản quyền một cách trắng trợn. Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, có tới hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên Internet, đa số các bộ phim (cả trong nước và quốc tế) đều chưa được các website này mua bản quyền.

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết: Có rất nhiều hình thức ăn cắp bản quyền các tác phẩm điện ảnh như: sao in đĩa lậu, trích đoạn, làm các tác phẩm tái sinh, cung cấp trên Internet để thu phí hoặc quảng cáo. Ngay cả nhiều đài truyền hình địa phương cũng tự do phát sóng nhiều bộ phim mà không thỏa thuận với các hãng phim.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2017, theo báo cáo của Bộ TT&TT, các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện. Hầu hết các trang web vi phạm đều đăng ký tên miền quốc tế, chủ thể những trang này đều ẩn danh, hoặc khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra của cơ quan pháp luật. Công tác xử lý gặp khó khăn bởi lực lượng quản lý nhà nước và trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật còn hạn chế. Mặt khác, việc dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cũng chỉ mang tính tương đối bởi khi chặn không cho truy cập vào một website thì những người vi phạm có thể dễ dàng mở một website khác.

Việc vi phạm bản quyền gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho nhà sản xuất, tác giả tác phẩm mà con cho cả các hãng phát hành phim. Ngoài những ảnh hưởng về mặt kinh tế, việc các bộ phim, tác phẩm nghệ thuật bị đăng tải, bày bán trên các trang web lậu, cửa hàng với chất lượng hình ảnh thấp còn ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt hình ảnh và thương hiệu của các tác giả và nhà sản xuất.

Trên thực tế ở nước ta, thời gian qua việc xử lý vi phạm bản quyền nhiều trường hợp hiện mới chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, cảnh cáo khiến nạn vi phạm càng có đất phát triển. Và sự kiện tháng 9-2012 vừa qua, khi mà Công ty First News sau một thời gian vất vả theo đuổi đã được xử thắng kiện Trường Anh ngữ Úc châu vi phạm bản quyền sách đã làm nức lòng nhiều người. Với vụ kiện này, Trí Việt được xem là đơn vị tiên phong trong việc đứng lên đấu tranh với vi phạm bản quyền. Sự thắng lợi này không chỉ là lời cảnh báo đối với tình trạng vi phạm bản quyền xuất bản mà còn tạo động lực cho nhiều đơn vị, tổ chức mạnh tay đấu tranh với nạn vi phạm này.

Bộ phim Cô Ba Sài Gòn bị vi phạm bản quyền ngay ngày đầu tiên chiếu rạp tại Vũng Tàu

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền thực tế không hề đơn giản mà cần phải có một chiến lược cụ thể cùng chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Song song với việc khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm của mình, kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng khi bị xâm phạm thì các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sở hữu trí tuệ, tạo chuyển biến tích cực trong xã hội.

Theo các chuyên gia, đối với các website vi phạm bản quyền ở nước ngoài, biện pháp hữu hiệu nhất là các doanh nghiệp Việt Nam có quảng cáo trên các website này tự nhận thức để không tiếp tục quảng cáo nữa. Biện pháp chặn tên miền, chặn hoặc giới hạn dung lượng đường truyền đến mạng lưu trữ website đó hoặc thông qua số hiệu mạng cũng cần được áp dụng. Ngoài ra, cần phối hợp với các tổ chức về quyền tác giả quốc tế để yêu cầu các nước sở tại có mạng lưu trữ đặt website vi phạm can thiệp.

Được biết, mới đây, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và đã đạt được thỏa thuận ban đầu là sẽ có giải pháp để chặn kênh thanh toán qua ngân hàng để thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp, bao gồm rất nhiều dịch vụ vi phạm pháp luật như vi phạm bản quyền và cung cấp các nội dung xuyên biên giới không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, bộ luật Hình sự 2015 điều 225 có quy định tội xâm phạm về quyền tác giá nêu rõ mức xử phạt lên đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu xâm phạm quyền tác giả sẽ góp phần mạnh tay xử lý những kẻ vi phạm bản quyền.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông