09:27 06/08/2023 Ngày 29-3-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chính thức ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.
Mục tiêu phấn đấu
Mục tiêu mà đề án này hướng tới là nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm. Mặt khác, bảo đảm cho hoạt động TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam.
Đề án phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình…
6 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được mục tiêu kể trên, đề án đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện gồm: rà soát, hệ thống hóa và tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị phục vụ công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
Đồng thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi pháp luật về TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; nâng cao hiệu quả phối hợp, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.
Và để triển khai hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm kể trên tại đề án này đã xác định rõ các giải pháp cần tập trung thực hiện cho từng nhiệm vụ. Nguồn kinh phí triển khai đề án do nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo cùng với nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép, kết hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao trong đề án với các chương trình, đề án, nhiệm vụ đã được phê duyệt, triển khai từ trước đến nay.
Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong đề án, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, việc lập dự toán được thực hiện theo các quy định của pháp luật đối với từng nguồn vốn.
Trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương
Đề án cũng xác định rõ trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các nội dung của đề án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc, những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, địa phương.
Bộ Công Thương thì chủ trì xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung của đề án; phối hợp các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc bán hàng trên môi trường TMĐT, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, tăng cường chế tài, biện pháp xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả.
Chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT triển khai các chương trình thúc đẩy tên miền “.vn” đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thúc đẩy triển khai sử dụng tên miền “.vn” trong hoạt động TMĐT. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng giả; đặc biệt đối với các sàn giao dịch TMĐT lớn và các trang mạng xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT…
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng ở địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các bộ, ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu; huy động nguồn lực của địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhiệm vụ. Mặt khác, đưa ra chính sách phù hợp với tập quán, văn hóa của người dân địa phương để giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại địa bàn quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động trên…
Riêng Bộ Công an thì chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hoạt động chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng; cử chuyên gia tham gia hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT của các lực lượng chức năng; tăng cường trao đổi thông tin về nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả trong hoạt động TMĐT...
Quyết định 319/QĐ-TTg của Phó Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thực hiện nghiêm quyết định này và công văn chỉ đạo của CATP, Phòng An ninh đối ngoại – CATP vừa xây dựng, ban hành kế hoạch tuyên truyền thực hiện Đề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.
Theo đó, triển khai kế hoạch này, đơn vị đã xác định rõ 6 nhóm nội dung trọng tâm cần thực hiện trong công tác tuyên truyền triển khai đề án nhằm đạt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ CBCS và Nhân dân về quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện đề án.
Từ đó, giúp CBCS và Nhân dân nêu cao tinh thần tự giác chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, tích cực tham gia pháp hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT…
Khánh Chi
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết