Đề án “Sân khấu truyền hình” Tiếp tục nâng cao chất lượng nghệ thuật và nội dung chương trình

10:45 05/07/2020

Đó có thể là bản hào ca về công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng có khi là một bản tình ca lãng mạn, đầy từ hào về thành phố quê hương… sự đa chiều của cảm xúc ấy, khán giả đã có được khi thưởng thức các chương trình, vở diễn của Đề án Sân khấu truyền hình trong thời gian qua. Để Đề án tiếp tục lắng đọng trong tâm hồn và cuộc sống người dân, các nghệ sĩ, diễn viên, các tác giả, đạo diễn… vẫn luôn đang trăn trở tìm được sự đổi mới, sáng tạo trong cả nội dung và hình thức thể hiện.

Một cảnh diễn trong vở cải lương “Đức Vương Ngô Quyền”

Đề án “Sân khấu truyền hình” được triển khai từ tháng 11- 2019 do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện.

Đề án được xây dựng bao gồm các vở diễn Chèo, Cải lương, Kịch nói, Múa rối, Ca múa nhạc tổng hợp...với các chủ đề, nội dung tư tưởng là khơi dậy, tôn vinh truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hoá, vẻ đẹp thiên nhiên, đặc trưng vùng đất và con người Hải Phòng xưa và nay; tuyên truyền, quảng bá những thành tựu đổi mới, nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong giai đoạn gần đây với những khát vọng vươn lên...

Một tiết mục biểu diễn tại chương trình nghệ thuật “Thành phố mặt trời lên”

Tính đến nay, Đề án đã thực hiện được 8 chương trình, vở diễn, trong đó có 4 chương trình được truyền hình trực tiếp và 4 chương trình được ghi hình, phát sóng trên sóng của Đài phát thanh và truyền hình Hải Phòng và tiếp sóng của một số đài tỉnh bạn.

Một số vở diễn, chương trình được các nhà chuyên môn đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và nội dung tư tưởng như Vở chèo “Hào khí Bạch Đằng Giang”, vở kịch nói “Di sản mùa xuân”, chương trình nghệ thuật “Thành phố mặt trời lên”, chương trình múa rối “Một truyền tích hoa phượng”.

 Xây dựng từ kịch bản văn học “Âm vang Bạch Đằng” của Trưởng đoàn Vũ Huy Thành, “Hào khí Bạch Đằng giang” đã xây dựng lên bức tượng đài về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là một bản hào ca về cuộc kháng chiến chống giắc Nguyên Mông xâm lược của quân và dân ta.

Qua vở diễn đã nêu được một quan điểm lớn, có tính quy luật từ cổ chí kim vẫn nguyên giá trị, đó là “quốc dĩ dân vi bản” - lấy dân làm gốc. Từ sự đoàn kết, vua tôi đồng lòng, “thượng mục, hạ hòa” đã cộng hưởng thành sức mạnh phi thường, mà có được chiến thắng đổi ngược tình thế, vang mãi muôn đời.

 Là một chương trình nghệ thuật vừa mang tính truyền thống vừa mang tính đương đại, “Thành phố mặt trời lên” do Đoàn Ca múa Hải Phòng biểu diễn đã cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn với nội dung phong phú, được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Với 3 chương gồm 15 tiết mục đặc sắc viết về vùng đất và con người Hải Phòng, đã đoạt giải thưởng, huy chương tại các kỳ liên hoan, cuộc thi chuyên nghiệp, chương trình nghệ thuật “Thành phố mặt trời lên” đã thể hiện hình ảnh của đất và người Hải Phòng đầy sáng tạo và cảm xúc.

Đây không phải là một chương trình ca nhạc thuần túy, là câu chuyện về “thành phố mặt trời lên”. Từng chương được nối tiếp nhau, ở đó có lời bình dẫn dắt câu chuyện, mang ảnh hưởng của bán sử thi. Những ca khúc đi cùng năm tháng, kết hợp với dân ca, múa đương đại đã gợi nhiều xúc cảm cho cả nghệ sĩ và khán giả …

Hay như chương trình “Một truyền tích hoa phượng” do Đoàn Múa rối biểu diễn đã hấp dẫn người xem ngay từ đầu. Với lối diễn điêu luyện, sống động, các nghệ sĩ múa rối đã đưa nghệ thuật truyền thống đến với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Vở diễn kể lại về nguồn gốc của Hoa Phượng - loài hoa đặc trưng của thành phố. Tác phẩm mở màn từ khung cảnh bình yên của làng chài ven biển, nơi tình yêu của cô Sóng với chàng Thiên đơm hoa kết trái và sinh ra cậu bé Gió.

Trải qua bao cuộc chia ly, cô Sóng mãi rời xa cha con chàng Thiên. Vì quá thương nhớ cô Sóng, chàng Thiên biến thành cây cao tỏa bóng, cậu bé Gió biến thành những bông hoa rực đỏ sắc trời ngày ngày mong ngóng cô Sóng trở về.

NSƯT, đạo diễn Lê Chức chia sẻ: Với những chương trình biểu diễn chất lượng của Đề án Sân khấu truyền hình, sân khấu Hải Phòng dường như một cú bừng tỉnh của một cơn ngủ quên hơi lâu. Tôi mong Đề án sẽ tạo ra giai đoạn “hoàng kim” của nghệ thuật, sân khấu Hải Phòng như trước đây đã từng có. Hiện nay, trên cả nước chưa có nơi nào thực hiện được Đề án như Hải Phòng, vì vậy các vở diễn, chương trình sẽ tạo ra thương hiệu “sân khấu truyền hình Hải Phòng”. Đối với các nghệ sĩ, diễn viên, các tác giả, biên kịch, đạo diễn, Đề án đã tạo ra cơ hội lớn cho các nghệ sĩ vào cuộc.  Đây là 1 cú hích đối với riêng tôi, cho tôi được về quê “đỡ ngượng”, được trả ơn lớn đối với quê hương.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Lê Văn Quý cho biết: Việc tổ chức chương trình sân khấu truyền hình góp phần khẳng định vai trò nền tảng tinh thần xã hội của văn hóa, khẳng định giá trị to lớn của sân khấu với đời sống xã hội. Thể hiện quyết tâm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững để Hải Phòng phấn đấu trở thành “động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cà nước... đời sống vật chất và tỉnh thẩn của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu bỉểu Châu Á ” theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, qua các chương trình còn phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc; tạo động lực tinh thần, sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ; nâng cao đời sống tinh thần, thẩm mỹ cho người dân thành phố. Với phương thức truyền tải giàu cảm xúc, ấn tượng, các chương trình vở diễn đã đưa hình ảnh đất và người Hải Phòng tới gần hơn bạn bè bốn phương. Đó còn là thông điệp truyền tải những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước những thành tựu của đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đạt được trong thời gian. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Đề án còn nhiều khó khăn do nguồn nhân lực còn thiếu, các nghệ sĩ, diễn viên hầu hết đã lớn tuổi, nguồn kịch bản sẽ hạn chế vì kinh phí thấp và chưa ổn định…

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam: Trong quá trình thực hiện Đề án Sân khấu truyền hình, các nghệ sĩ, diễn viên, cố vấn, chuyên gia bằng tài năng, tâm huyết của mình đã tìm tòi, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng tác phẩm và thực hiện hiệu quả Đề án, đồng chí Lê Khắc Nam , Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình, cơ cấu loại hình các vở diễn, đặt hàng kịch bản để thực hiện từ tháng 11-2020 đến tháng 10-2021. Bên cạnh đó tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân theo đúng mục tiêu đề án; chú trọng đào tạo lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ, kế cận, bồi dưỡng tài năng sân khấu từ tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ… trong các đơn vị nghệ thuật. Nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức thể hiện, đan xen, cân đối việc triển khai các tác phẩm sân khấu thuộc đề tài lịch sử và hiện đại trong các số phát sóng…

 Xuân Hạ

 

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông